Kinh tế

Khai thác chưa xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kông Chro là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau, tiềm năng này chưa đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện…

Với thế mạnh trong các ngành khai thác, chế biến đá, phát triển thủy điện, chế biến lâm sản và ngành nghề truyền thống, trong 10 năm trở lại đây, cơ cấu ngành CN-TTCN huyện Kông Chro có bước tăng trưởng vượt bậc, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Nếu từ năm 2001-2005 giá trị sản xuất đạt 26 tỷ đồng thì năm 2011 đạt  230 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 10 năm, ngành CN-TTCN của huyện Kông Chro có bước phát triển mạnh, giá trị sản xuất tăng gấp 9 lần.

 

Trụ sở HTX công nông nghiệp Đak Kơ Ning vừa mới xây dựng. Ảnh: L.A
Trụ sở HTX công nông nghiệp Đak Kơ Ning vừa mới xây dựng. Ảnh: L.A

Từ chỗ ngành công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ với một vài cơ sở chế biến đá chẻ, vài cơ sở mộc dân dụng, đến nay, huyện Kông Chro có 56 cơ sở sản xuất CN-TTCN. Để tạo đà phát triển, huyện đã tiến hành quy hoạch cụm CN-TTCN với quy mô hơn 40 ha tại địa bàn thị trấn. Đến thời điểm này, công tác xây dựng quy hoạch chi tiết giai đoạn I đã hoàn tất với quy mô hơn 15 ha.

Với xuất phát điểm thấp, điều kiện đi lại khó khăn, nên những năm qua huyện Kông Chro chưa thể thu hút được sự đầu tư tương xứng để khai thác hết thế mạnh của mình. Các ngành nghề kinh doanh như: khai thác, chế biến đá, chế biến lâm sản, nghề truyền thống, cơ khí… chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình. Giá trị sản phẩm hàng hóa của ngành phần lớn dừng lại ở khai thác, sơ chế sản phẩm thô, đơn điệu không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, vì vậy chưa thể nâng cao giá trị sản xuất của ngành trong cơ cấu kinh tế.

Tuy có lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng lại thiếu tay nghề, trong khi đó các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương chủ yếu hoạt động các lĩnh vực có kỹ thuật cao như khai thác đá, thủy điện nên ít sử dụng lao động tại chỗ. Những nghề doanh nghiệp cần thì không có, trong khi những nghề được đào tạo lại không phù hợp với nhu cầu thực tế. Các ngành nghề truyền thống đang có xu hướng mai một, chưa thể nào thoát khỏi tính tự cung tự cấp, giá thành các sản phẩm bán ra cao hơn so với thực tế thị trường nên không tiêu thụ được bao nhiêu. Hai năm qua, các làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan ở xã Đak Kơ Ning, làng Nghe Lớn… đã có dấu hiệu tan rã.

Để ngành CN-TTCN Kông Chro phát huy hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển cần có những cơ chế mở trong việc khai thác những thế mạnh. Có như vậy, mới huy động được sức mạnh tổng lực của các thành phần kinh tế cùng đóng góp vào sự phát triển chung của huyện.

Lê Anh-Tự Nhân

Ông Nguyễn Đức Hướng-Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng cho biết: “Nghị quyết Đại hội VI nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ huyện đã định hướng phát triển, đưa tỷ trọng CN-TTCN của huyện chiếm 34,5% trong cơ cấu kinh tế, mức tăng trưởng bình quân đạt 18,6%. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này phải có chính sách khuyến khích đầu tư để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển ngành nghề ở nông thôn theo hướng khai thác những tiềm năng là thế mạnh của địa phương. Vì hiện nay, dù có mức tăng trưởng mạnh, nhưng những gì đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng”.

Có thể bạn quan tâm