Kinh tế

Nông nghiệp

Khai thác lợi thế mặt nước để nuôi trồng thủy sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng lợi thế về mặt nước, điều kiện khí hậu và nguồn nước phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của các giống, loài thủy sản, nhiều người dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản.
Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, phân bố trên hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San và các nhánh của sông Srêpôk với 302 hồ chứa, đập thủy lợi. Diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh là 15.159 ha, trong đó, diện tích nuôi 1.109 ha, diện tích khai thác 14.050 ha. Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi thâm canh theo hình thức lồng bè với khoảng 700 lồng trên các hồ chứa, hồ thủy điện tại các địa phương như: thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hàng năm khoảng 1.583 tấn.
Huyện Chư Păh có nhiều hồ thủy điện, thủy lợi rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 97 lồng cá của người dân và HTX. Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa)-cho biết: Thời gian qua, HTX liên kết với một số hộ dân làng Kênh (xã Ia Phí) triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Ly với 5 lồng bè nuôi 2 loại cá rô phi đơn tính và diêu hồng. Việc nuôi cá giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Cá thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, nguồn nước ở đây và nuôi khoảng 5-6 tháng là có thể xuất bán. “Thời gian tới, HTX tiến hành nuôi thí điểm 1 lồng cá chình, 4 lồng cá trê và cá lóc. Đây là nhưng loại cá đang được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ dễ hơn và có giá trị kinh tế cao”-ông Minh thông tin thêm.
Mô hình nuôi cá lồng bè của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam
Mô hình nuôi cá lồng bè của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam
Theo ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh: “Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chúng tôi đã xây dựng các mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly, thủy điện Hà Tây, hồ Sê San 3 và một số ao hồ tự nhiên. Đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Trung tâm cũng vừa triển khai mô hình nuôi cá thác lác trong lồng bè với công nghệ sục khí, quy mô 5.900 con/3 lồng tại xã Ia Nhin, kinh phí thực hiện hơn 291,3 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 130 triệu đồng, còn lại người dân đối ứng). Đây là mô hình góp phần chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi ở địa phương, tăng thu nhập cho nông dân”.
Tương tự, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đak Krong, quy mô 18 lồng bè với các loại: rô phi, diêu hồng, trắm cỏ và cá lăng. Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX-cho biết: Được Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cá giống, một phần chi phí thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật, HTX đã đầu tư mô hình nuôi cá lồng bè. Các loại cá rô phi, diêu hồng và lăng đuôi đỏ nuôi trong lồng bè phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước ở đây, không xảy ra dịch bệnh. Hiện tại, sản phẩm được các thương lái trên địa bàn TP. Pleiku tiêu thụ khá ổn định. Nuôi cá lồng bè là hướng đi mới giúp cho HTX đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao đời sống cho thành viên và người dân. 
Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để nuôi trồng thủy sản. Để giúp người dân, HTX phát triển ổn định nuôi trồng thủy sản, huyện chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, triển khai các mô hình hiệu quả.
Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, đa dạng hóa sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái cũng được các cấp, ngành quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, các sở, ngành, địa phương điều tra, khảo sát hồ chứa để triển khai thực hiện chương trình thả cá giống với sự đồng hành hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, các đơn vị đã thả gần 600 ngàn con cá giống tại hồ chứa Thủy điện An Khê-Ka Nak (huyện Kbang), hồ Ia Băng (huyện Đak Đoa), hồ Hoàng Ân, hồ Plei Pai, hồ Ia Mua (huyện Chư Prông), hồ Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), hồ Ia Glai (huyện Chư Sê)... với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị đã chủ động nguồn kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng để triển khai các mô hình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, hướng dẫn các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản khoảng 460 tỷ đồng, chiếm 1,13% giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm-thủy sản; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 20.800 ha, trong đó, nuôi trồng đạt 3.800 ha; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 16.360 tấn (nuôi trồng đạt 12.160 tấn); có 1.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, sản lượng phấn đấu đạt 3.500 tấn; sản lượng nuôi ao hồ nhỏ đạt 8.660 tấn. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 670 tỷ đồng, chiếm 1,34% giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm-thủy sản; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 24.025 ha (nuôi trồng đạt 3.825 ha); tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 24.970 tấn (nuôi trồng đạt 19.940 tấn); có 1.375 ô  lồng nuôi trồng thủy sản, sản lượng phấn đấu đạt 4.812 tấn; sản lượng nuôi ao hồ nhỏ đạt 15.128 tấn.
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Thời gian đến, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo điều kiện của từng vùng; tập trung phát triển sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế. Đồng thời, có cơ chế phù hợp để các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tiếp cận, khai thác mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện để nuôi các loại cá thông thường và đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
LÊ NAM
Khai thác lợi thế mặt nước để nuôi trồng thủy sản ảnh 2
 

Có thể bạn quan tâm