Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Công ty liên kết của Tổng Công ty Phát điện 3) làm chủ đầu tư với công suất 220MW. Công trình được khởi công vào tháng 9/2009. Sau hơn 10 năm thi công với rất nhiều khó khăn và gián đoạn nhiều lần, dự án Thủy điện Thượng Kon Tum cũng đã chính thức được triển khai tích nước và hòa lưới điện quốc gia thành công vào tháng 3/2020.
Công trình khai thác dòng chảy từ sông Đăk S’nghé, chảy qua vùng đất thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, nhà máy nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và Ngok Tem của huyện Kon Plông. Dự án có tuyến năng lượng với độ dài khoảng 17,5 km, đây là đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam hiện nay và có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao là 80m, cột nước cao nhất Việt Nam với chiều cao là 944m tạo ra công suất phát điện lớn.
Lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban |
Khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước tạo ra một mặt hồ rộng 7km2, trải dài hơn 15km trên dòng chính và nhiều nhánh nhỏ. Hồ có thể chứa gần 150 triệu mét khối nước. Chỗ sâu nhất tính từ mặt nước lúc hồ tích nước cực đại đo được là 50 mét, pH nước đo được từ 6,8-7,2 và biên độ nhiệt độ nước dao động từ 7 đến 28 độ C tùy vào các mùa trong năm, rất phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên cho hồ. Qua các chuyến đi thực tế, chúng tôi thấy có nhiều loại cá bản địa đang sinh sống và phát triển tốt như cá diếc, cá rô, cá lóc, cá chép, lươn, cá niên… Trong tương lai có thể phát triển nuôi trồng thêm các loại cá xứ lạnh như cá tầm, cá hồi.
Theo chúng tôi được biết thì chủ đầu tư cũng đã thả hàng tấn cá giống các loại xuống lòng hồ để phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Hiện nay, dọc lòng hồ có hơn 10 cái lồng bè được dân địa phương dựng lên để nuôi cá và dẫn dụ đánh bắt cá tự nhiên của lòng hồ.
Lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản, du lịch. Ảnh: Nguyễn Ban |
Bên cạnh đó, phần lớn hồ được bao quanh bởi rừng nguyên sinh và rừng trồng nên tạo ra tiểu vùng khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Có nhiều con suối từ các khe núi đổ thẳng xuống lòng hồ tạo ra những con thác tuyệt đẹp như dải lụa trắng trên nền rừng xanh giữa đại ngàn hùng vĩ. Đi xuyên suốt lòng hồ chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào mắt là những cái cây đâm thẳng lên từ mặt nước, cây tươi có, cây chết khô ở bìa rừng do bị ngập nước có, tạo ra một khung cảnh hoang vu, tươi đẹp mà bất kỳ ai khi đến đây cũng có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên trong xanh, mát lạnh hơn bao giờ hết. Những làn sóng nước do con thuyền tạo ra văng lên tung tóe, phá vỡ bầu không khí yên ắng và mặt nước tĩnh lặng xanh ngắt giữa rừng nguyên sinh. Đoạn cuối của lòng hồ thủy điện có những ốc đảo mà trước đây là những cái đồi, cái làng là nơi dừng chân, ăn uống, cắm trại… tuyệt vời cho chuyến đi.
Với những tiềm năng to lớn về nuôi trồng thủy sản, du lịch là thế nhưng sự phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch tự phát hiện nay sẽ dần phá hủy những vẻ đẹp tự nhiên – cái mà mọi du khách đều muốn thưởng lãm khi đến đây. Các cơ quan chức năng cần quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản, tránh xa những thắng cảnh đẹp như thác nước, các đảo đẹp. Cần có những quy định và chế tài về việc lưu thông trên lòng hồ để đảm bảo sự an toàn cũng như quy định nơi tụ tập, tham quan, ăn uống để tránh xả rác bừa bãi gây ô nhiễm và cháy rừng.
http://baokontum.com.vn/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-long-ho-thuy-dien-thuong-kon-tum-19093.html
Theo Đỗ Quyên (baokontum)