Khám-chữa bệnh cho người nghiện ma túy: Còn nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu bác sĩ, thiếu cơ sở vật chất khám-chữa bệnh và cơ chế hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng... là những khó khăn đang tồn tại ở một số cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Pleiku.

Nhiều khó khăn

Thời gian qua, việc khám-chữa bệnh cho người nghiện tại một số cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Pleiku như: Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy tỉnh, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh đã có nhiều biến chuyển tích cực. Song trên thực tế, công tác này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Tính đến cuối tháng 5-2019, cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiếp nhận điều trị 167 người nghiện. Tuy nhiên, số bệnh nhân duy trì điều trị đều đặn chỉ có 87 người, số còn lại bỏ điều trị, tử vong hoặc bị Công an bắt khi sử dụng ma túy. Bà Cao Thị Thu Hiền-phụ trách cơ sở trên-cho biết: Người nghiện ma túy nếu tích cực điều trị bằng Methadone đều đặn 1 năm là lấy lại sức khỏe. Sau đó, giảm liều điều trị, 2 năm sau sẽ khỏe mạnh như người bình thường. “Nhưng hiện nay, số người nghiện ma túy có chiều hướng sử dụng ma túy tổng hợp như: ma túy đá, viên hồng... nên chưa có thuốc điều trị thay thế, rất khó khăn trong việc hỗ trợ. Hơn nữa, cơ sở điều trị bằng Methadone chỉ mới dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe cho người nghiện chứ chưa có các dịch vụ hỗ trợ xã hội và tạo việc làm cho người bệnh”-bà Hiền chia sẻ.

Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy tỉnh hiện cũng chỉ tập trung chủ yếu vào việc cắt cơn, giải độc và phối hợp xét nghiệm HIV cho người nghiện. Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc cơ sở-cho hay: Người nghiện ma túy ngày càng nhiều, trong khi đó, đơn vị chưa có giấy phép hành nghề y tế. 10 năm qua, đơn vị có nhu cầu tuyển 1 bác sĩ về chăm sóc sức khỏe cho người nghiện mà chưa được. Hiện đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn thuốc chủ lực, trang-thiết bị y tế cũng như các khu phân loại học viên HIV, lao, khu vị thành niên, khu tập luyện và vật lý trị liệu.

 Giờ học chăm sóc sức khỏe, hướng nghiệp của học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy tỉnh. Ảnh: Đ.Y
Giờ học chăm sóc sức khỏe, hướng nghiệp của học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy tỉnh. Ảnh: Đ.Y



“Do đó, phương pháp điều trị tại cơ sở chủ yếu là trang bị các kiến thức chung, chưa tập trung vào chương trình đặc thù trị liệu hành vi cho người cai nghiện ma túy. Trong việc tái hòa nhập cộng đồng cũng chỉ làm các thủ tục đưa người nghiện trở về địa phương, chưa có điều kiện hướng dẫn lập kế hoạch và chuẩn bị hành trang, tâm lý, kiến thức dự phòng tái nghiện cho đối tượng này. Nhiều địa phương chưa quan tâm vấn đề kết nối với cộng đồng để quản lý, giúp đỡ, tạo việc làm, nâng cao sức khỏe cho người sau cai nghiện, hoạt động của một số nơi còn mang tính hình thức, vì vậy tỷ lệ tái nghiện sau cai trên địa bàn tỉnh còn rất cao, lên đến 98%”-ông Sơn nhận định.

Cần lắm sự chung tay  

Theo ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, để làm tốt công tác khám-chữa bệnh cho người nghiện ma túy tham gia điều trị tại cơ sở điều trị Methadone còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, vấn đề cốt lõi là đội ngũ cán bộ, trong đó liên quan trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe học viên là cán bộ y tế và cán bộ điều trị tâm lý, giáo dục; tuy nhiên số cán bộ này chỉ chiếm trên dưới 20% so với tổng số cán bộ ở cơ sở cai nghiện là quá thấp so với yêu cầu. “Hiện nay, cơ sở điều trị mới có 6 hợp đồng lao động, rất mong tỉnh xem xét, xét tuyển biên chế để họ yên tâm công tác”-ông Phong nêu ý kiến.

Còn theo Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy tỉnh thì: Cơ sở không tuyển được bác sĩ do thù lao thấp, công việc vất vả, môi trường làm việc phức tạp, nhiều rủi ro. Số cán bộ tâm lý, giáo dục đã thiếu mà năng lực lại chưa đáp ứng yêu cầu. “Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài, cần có chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế và tâm lý, giáo dục ở cơ sở cai nghiện; đồng thời đổi mới cơ chế tuyển dụng, cơ cấu lại, tăng tỷ lệ cán bộ y tế và tư vấn trong các cơ sở cai nghiện, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn. Cơ sở cũng mong muốn được tỉnh quan tâm đầu tư trang-thiết bị khám-chữa bệnh, phương tiện, thuốc men trong điều trị”-ông Sơn bày tỏ.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về khám-chữa bệnh tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến nội dung này, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhận định: Không thể triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe trên nền tảng cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, không đảm bảo những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt. “Mục tiêu khám-chữa bệnh cho người nghiện là giúp họ phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Mà để phục hồi thì cốt lõi là chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tâm thần, nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây qua đường tình dục... Đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp và khó khăn. Tất nhiên, hoàn thiện cơ sở vật chất phải gắn với quản lý, quy hoạch phù hợp với quy trình cai nghiện, sử dụng hết công năng, không để lãng phí. Bên cạnh đó, việc đổi mới chính sách, chế độ cho cán bộ và học viên, phác đồ điều trị, huấn luyện, chỉ đạo, giám sát, cung cấp tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình khám-chữa bệnh cho người nghiện... cũng cần sớm triển khai thực hiện”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.

 

 ĐINH YẾN

 

Có thể bạn quan tâm