Sức khỏe

Khẩn cấp phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 22.10, Bộ NN-PTNT phát công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trên toàn quốc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, sau khi Bộ Y tế ghi nhận 1 người nhiễm cúm gia cầm chủng A/H5 tại Phú Thọ.

Đặc biệt, đây là trường hợp cúm gia cầm chủng A/H5 được phát hiện sau 8 năm VN không có trường hợp tử vong hoặc nhiễm cúm A/H5. Cũng theo Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay, VN đã ghi nhận có 128 người nhiễm vi rút cúm gia cầm chủng A/H5, trong đó 64 người tử vong.

 

 Tiêu hủy và khử trùng một ổ dịch cúm A/H5 ở Quảng Ngãi. Ảnh: Hải Phong
Tiêu hủy và khử trùng một ổ dịch cúm A/H5 ở Quảng Ngãi. Ảnh: Hải Phong


Bộ NN-PTNT cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 34 ổ dịch cúm gia cầm ở 19 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy 77.000 con gia cầm. Dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhu cầu giao thương buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng cao, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc cũng là điều kiện thuận lợi để chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào VN.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm chủng A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Các địa phương phải chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch. Các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. Người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Theo khuyến cáo ngày 22.10 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc bất kỳ bộ phận nào (bao gồm cả phân và lông) và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%).

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng ngừa lây nhiễm bệnh cúm gia cầm, người dân tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh, cần rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không, khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi. Khi giết mổ gia cầm cần đeo khẩu trang, găng tay, tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.

 


TP.HCM kiểm soát các loại dịch bệnh

Ngày 22.10, TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, sức khỏe nữ bệnh nhân 38 tuổi trở về từ Dubai mắc đậu mùa khỉ đã ổn, không sốt, không nổi thêm mụn nước. Đây là ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 được phát hiện tại TP.HCM và VN.

Cùng ngày, theo báo cáo nhanh tình hình và các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của Sở Y tế TP.HCM, hiện các loại dịch bệnh Covid-19, đậu mùa khỉ, tay chân miệng đang được kiểm soát. Riêng với dịch bệnh sốt xuất huyết, tuy số ca mắc có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Duy Tính

Theo Phan Hậu-Liên Châu (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm