Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khẩn trương đối phó với sương muối, hạn mặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi hạn mặn đạt đỉnh, gây khó khăn cho nhiều tỉnh ĐBSCL thì ở Lâm Đồng, sương muối gây thiệt hại gần 500 ha cà phê, hoa màu, cây trái
Chiều 10-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn (XNM).
Tái cơ cấu nông nghiệp đối phó mặn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, từ đầu mùa khô đến nay, tỉnh bị ảnh hưởng bởi 2 đợt XNM kỷ lục. Riêng trong đợt XNM vào đầu tháng 1-2020, đỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,40/00 - 20/00. Trên sông Cổ Chiên (huyện Vũng Liêm) đạt từ 6,20/00-100/00, trên sông Hậu (tại huyện Trà Ôn) đạt từ 20/00-6,90/00.
Tại các huyện vùng nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, ước tính có hơn 10.000 ha lúa đông xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong 1 tuần do cống phải đóng ngăn mặn. Ngoài ra, 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch phục vụ hơn 66.200 hộ bị ảnh hưởng của nạn XNM trong khoảng 10 ngày.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ hai, từ trái qua) kiểm tra tình trạng xâm nhập mặn ở Vĩnh Long Ảnh: CÔNG TUẤN
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho biết nhờ có bước chủ động trước và từ bài học kinh nghiệm trong phòng chống hạn hán, XNM trong những năm qua nên tình trạng XNM đợt này ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nông nghiệp. Những nơi thiếu nước ngọt sinh hoạt, tỉnh thuê sà lan, xe bồn chở nước ngọt cấp cho các nhà máy nước với số lượng 43 chuyến/ngày.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần rà soát lại toàn bộ các kịch bản, chương trình năm nay để tiếp tục có phương án ứng phó. Sau đợt hạn, mặn này, tỉnh cần tổng kết lại để trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp, các ngành liên quan tham mưu cho tỉnh điều chỉnh tái cơ cấu nông nghiệp tổng thể.
Không để dân thiếu nước
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã đến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng và khảo sát thực tế tình hình hạn, mặn ở tỉnh này. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương tỉnh Sóc Trăng đã chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 bằng việc gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn mọi năm, qua đó giúp năng suất đạt khá cao.
"Sóc Trăng phải bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho hộ dân theo đề án quy hoạch của tỉnh. Nếu có hộ thiếu nước sinh hoạt thì phải nhanh chóng có phương án đưa nước đến từng hộ dân, tuyệt đối không để dân thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn cũng như dự trữ đủ lượng nước tưới tiêu phục vụ diện tích cây ăn trái" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu. 
Sương muối làm "rụng" 50 tỉ đồng
Ngày 10-2, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đến huyện Lạc Dương kiểm tra tình hình sương muối gây thiệt hại cho cây trồng, từ đó có hướng dẫn người dân cách phục hồi.
"Trước mắt, để hỗ trợ người dân, sở sẽ bố trí kinh phí từ chương trình chuyển đổi giống cây trồng, chương trình tái canh cải tạo giống cà phê kế hoạch năm 2020 và từ các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại có điều kiện chăm sóc và trồng mới diện tích bị thiệt hại ngay trong thời vụ năm 2020" - ông Châu thông tin.
Sương muối gây thiệt hại hàng trăm hecta cà phê, hoa màu của người dân ở Lâm Đồng Ảnh: ĐÌNH THI
Cũng theo ông Châu, sở sẽ hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh từ sớm, giảm thiệt hại.
Nhiều ngày qua, ở 3 xã Đạ Chais, Đạ Nhim và Đạ Sar của huyện Lạc Dương xuất hiện sương muối dày đặc khiến nhiều cây trồng khô ngọn, rụng quả non.
Ông Vũ Bá Hòa (60 tuổi, ngụ xã Đạ Chais) có 3 ha cà phê đang độ tuổi phát triển tốt, cho thu hoạch cao. "Với diện tích 3 ha cây cà phê mùa vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch hơn 12 tấn nhân, trừ chi phí thu lãi hơn 150 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, do tình trạng sương muối, 80% diện tích bị khô đọt, rụng lá và rụng trái non hàng loạt. Dù gia đình đã dùng nhiều biện pháp như tưới nước trên cây và thân nhưng vẫn không hiệu quả. Nếu tình trạng này kéo dài, hầu hết người dân trong thôn sẽ thiệt hại nặng nề" - ông Hòa buồn bã.
Theo ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thống kê ban đầu, tại 3 xã trên có 801 hộ dân bị ảnh hưởng với 468 ha cây trồng. Trong đó có hơn 434 ha cà phê; rau màu, cây ăn quả hơn 34 ha; ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng.
Theo CA LINH - CÔNG TUẤN - ĐÌNH THI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm