(GLO)- Viện Hải dương học Nha Trang tại Khánh Hòa, vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học bảo vệ đa dạng sinh học đầm Nha Phu”.
Trồng rừng ngập mặn sẽ góp phần “cứu” đầm Nha Phu. Ảnh: Bình Nguyên |
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn lợi thủy sản ở đầm Nha Phu đang bị suy kiệt nghiêm trọng. Các loài cá ở đầm Nha Phu đã giảm hơn 50%, thân mềm giảm 60%, giáp xác giảm 90% so với chỉ 5 năm về trước. Đáng chú ý, một số loài thân mềm không còn thấy xuất hiện, như: Mực nang, mực lá, sò huyết, ốc sút…
Đầm Nha Phu rộng gần 1.500 ha, là một trong hai đầm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, tiếp giáp với 6 xã; trong đó có 5 xã thuộc thị xã Ninh Hòa và 1 xã thuộc thành phố Nha Trang. Đầm Nha Phu là nơi hội tụ của rất nhiều địa hình: đảo, suối, biển, hồ, núi, vịnh; có cảnh quan hoang sơ với những bãi cát trắng tinh khiết trải dài đa dạng, nhiều địa hình khác nhau; hệ động, thực vật rất đa dạng với 232 loài được ghi nhận; trong đó có 150 loài tảo silic.
Trước đây, ở ven đầm Nha Phu diễn ra phong trào phá rừng ngập mặn để phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản quy mô công nghiệp dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, thường xảy ra dịch bệnh. Gần đây, nguồn lợi thuỷ sản ở đầm Nha Phu bị suy kiệt nghiêm trọng do khai thác quá mức.
Ông Trần Văn Dũng- Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, cho biết: Ngư dân đã phân chia gần hết diện tích mặt nước đầm Nha Phu để thả nuôi các loài nhuyễn thể, thân mềm và khai thác thuỷ sản. Do môi trường nước đầm Nha Phu bị ô nhiễm nên thường xảy ra dịch bệnh khiến nhiều vật nuôi bị chết, ngư dân phải thu hẹp diện tích nuôi hoặc bỏ nghề .
Được biết, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng chương trình tổng thể, can thiệp sâu rộng vào các lĩnh vực từ nuôi trồng, khai thác đến tạo sinh kế cho người dân... để cải thiện môi trường đầm Nha Phu.
Bình Nguyên