Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Khánh Hòa tăng cường nhiều giải pháp bảo tồn sinh vật biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển đang dần trở nên đáng báo động, tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường nhiều giải pháp bảo tồn sinh vật biển.
Trang rạn san hô ở tình trạng chất lượng trung bình. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Khánh Hòa hiện có Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang do Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang trực thuộc UBND TP. Nha Trang quản lý và Khu bảo vệ hệ sinh thái biển rạn trào tại thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Ngoài ra, tại Khánh Hòa còn có Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã do Công ty Vinpearl Land thành lập ở đảo Hòn Tre với mục tiêu cứu hộ, bảo tồn, phát triển các loài thủy sinh hoang dã, đặc biệt là đối với các loài nguy cấp, quý hiếm. Công ty này còn xây dựng Bảo tàng thủy sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển các loài thủy sinh.

Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với các đơn vị nói trên trong việc cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã, thả về tự nhiên cá thể cá heo, rùa biển... trôi dạt vào vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thả giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong các dịp Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam 1-4 hàng năm và Lễ hội Festival biển Nha Trang-Khánh Hòa, diễn ra theo định kỳ 2 năm/lần.
Đồng thời, với sự tài trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 15 mô hình đồng quản lý nghề cá tại 15 xã, phường ven biển với gần 2.000 hộ ngư dân có tàu công suất dưới 20 CV hoạt động khai thác ven bờ đồng thuận tham gia. Qua đó, Khánh Hòa đã tăng cường năng lực thể chế cho công tác quản lý, khai thác nghề cá ven bờ theo hướng bền vững.
Về hiện tượng suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun, Vịnh Nha Trang thời gian gần đây, theo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, nguyên nhân phần lớn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Cụ thể là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương). Công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển Vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời.
Từ ngày 27-6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Tỉnh giao UBND TP. Nha Trang chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học thực hiện ngay việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để tìm hiểu chính xác nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi rạn san hô, xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, đồng thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của tổ chức và cá nhân trên vịnh.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản còn hạn chế về nhân lực, vật lực và kinh phí, trong khi địa bàn quản lý rất rộng nên hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển thuộc quản lý của tỉnh chưa cao. Còn tình trạng ngư dân lén lút sử dụng ngư cụ, phương tiện cấm để khai thác tại vùng cấm khai thác trên địa bàn tỉnh.
XUÂN PHẠM
 

Có thể bạn quan tâm