Sức khỏe

Dinh dưỡng

Khảo sát 2.800 trẻ 11-14 tuổi, tất cả đều dùng mạng xã hội, hơn 1/2 chơi game

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Nội tiết trung ương thực hiện trên hơn 2.800 trẻ 11-14 tuổi cho thấy 100% các cháu được khảo sát đều dùng mạng xã hội, hơn 1/2 chơi game trên mạng; trẻ thừa cân, béo phì trong nhóm khảo sát lên tới gần 28%.

Trẻ ngồi tĩnh tại để chơi những trò chơi trên mạng được cho là một trong những lý do dẫn đến thừa cân, béo phì và nhiều bệnh mãn tính khác - Ảnh: NewYork Times
Trẻ ngồi tĩnh tại để chơi những trò chơi trên mạng được cho là một trong những lý do dẫn đến thừa cân, béo phì và nhiều bệnh mãn tính khác - Ảnh: NewYork Times


Theo Bệnh viện Nội tiết trung ương, khảo sát này thực hiện trong 2 năm 2018-2019 trên toàn quốc và vừa được công bố, cho thấy đang báo động về tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường...

Theo kết quả nghiên cứu, có 6,2% trong nhóm 11-14 tuổi mắc rối loạn glucose máu (tiền đái tháo đường), nhóm 11 tuổi mắc cao nhất (8,2% các cháu 11 tuổi được khảo sát có tình trạng này). Tỉ lệ thừa cân béo phì trong nhóm khảo sát là gần 28%, trong đó có 17,9% là thừa cân và 9,9% là béo phì.

Nhóm nghiên cứu nhận định tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường có xu hướng tăng nhanh trong vài thập kỷ gần đây, dẫn tới gia tăng nhanh chóng tỉ lệ đái tháo đường type 2 ở người trẻ tuổi. Trong đó, người mắc tiền đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường nếu không có can thiệp kịp thời.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra nhiều thói quen mới liên quan đến trẻ em: 90,6% các em được hỏi đều chơi một môn thể thao nào đó, nhưng tính theo thời gian tiêu chuẩn (mỗi ngày trẻ em cần vận động ít nhất 60 phút) thì nhóm trẻ em nữ được khảo sát chưa đạt được.

Báo cáo cũng cho biết quá nửa trẻ em được hỏi đều chơi game, có trên 34% các cháu chơi game trên 1 giờ/ngày, 100% trẻ được hỏi có dùng mạng xã hội, 88% trong đó vào mạng dưới 60 phút/ngày.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo đến lúc cần có những biện pháp kịp thời và toàn diện từ phía gia đình, nhà trường để trẻ có lối sống lành mạnh hơn, tăng thời gian vận động thể lực, giảm thời gian tĩnh tại (chơi game, vào mạng xã hội), có chế độ ăn uống phù hợp, phòng tránh các bệnh thừa cân, béo phì, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo L.ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm