(GLO)- Ngày 21-4, Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đã tổ chức khảo sát việc duy trì sĩ số học sinh THCS, THPT người dân tộc thiểu số tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (xã Ia Piar), Trường THPT Trần Quốc Tuấn (thị trấn Phú Thiện) và UBND huyện Phú Thiện.
Năm học 2021-2022, Trường THPT Võ Văn Kiệt có 13 lớp (trong đó 4 lớp 12, 4 lớp 11 và 5 lớp 10) với 380/590 học sinh DTTS. Từ tháng 9-2021 đến ngày 31-3-2022, có 62/68 học sinh người DTTS bỏ học. Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh DTTS đạt 83,68%. Trường THPT Trần Quốc Tuấn có 501/1.524 học sinh DTTS, có 51/63 học sinh DTTS bỏ học, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh DTTS là 83,68%. Đối với bậc THCS, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh DTTS toàn huyện đạt 98,2%, có 62/68 học sinh DTTS bỏ học. Trong đó, Trường THCS Nguyễn Trung Trực có số lượng học sinh người DTTS bỏ học khá cao với 25/29 học sinh.
Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học theo mùa vụ, nâng cao tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi; Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc huy động học sinh THCS đúng độ tuổi đến trường, giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, UBND huyện đã lồng ghép trong các kế hoạch, các văn bản để chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học tăng cường các biện pháp duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học.
Mặc dù các trường học đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để vận động học sinh ra lớp nhưng số học sinh là người dân tộc thiểu số bỏ học còn nhiều.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hà Phương |
Qua khảo sát cho thấy: Nhìn chung các chế độ, chính sách được triển khai đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan. Mạng lưới trường, lớp học được củng cố, xây dựng ngày càng hoàn thiện. Hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo dục ở các cấp học, ngành học được chú trọng; nhiều sáng kiến, giải pháp giáo dục được áp dụng có hiệu quả trong các đơn vị trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều đơn vị trường học đã chú trọng xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề về tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS còn cao; công tác tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; việc tổ chức dạy học trực tiếp, tổ chức hoạt động ngoại khóa; đánh giá nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; sự cần thiết của việc bổ sung biên chế giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; tiếp tục phê duyệt cho huyện được thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2021-2025…
Ủy ban nhân dân huyện cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ các nguồn lực giúp huyện phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS nhằm nâng cao mức sống cho người dân, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho các trường xây dựng đủ phòng học 2 buổi/ngày, học bán trú; đảm bảo tối thiểu cho phòng bộ môn để học sinh có điều kiện học tập tại trường; quan tâm hỗ trợ các phương tiện, đồ dùng học tập, sách giáo khoa cho học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, bà Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-đề nghị: Huyện cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để học sinh đến trường; chế độ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh DTTS; bổ sung danh sách các em nghỉ học, có địa chỉ cụ thể; định hướng phân luồng hướng nghiệp. Các trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa; giáo viên xác định tầm quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Đối với những đề xuất, kiến nghị của huyện, đoàn sẽ tổng hợp và trình HĐND tỉnh xem xét, giải quyết.
HÀ PHƯƠNG