Kinh tế

Khát vọng thoát nghèo từ cây mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong tổng số 14 nhóm cải thiện sinh kế (LEG)  đang được dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Kông Chro thì duy chỉ có một nhóm LEG trồng mía được triển khai tại làng Kia 2, xã An Trung. Theo anh Phùng Bảo Quốc-cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF), thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp để cây mía phát triển, rễ cây mía bám sâu nên có khả năng chịu hạn tốt. Hơn nữa, chu kỳ khai thác của cây mía là 4 năm; trong 4 năm liên tục ấy người dân sẽ được hưởng lợi mà không tốn thêm nhiều khoản chi phí khác.
 
Làng Kia 2 cách trung tâm xã khoảng 7 km nhưng do bị ngăn cách bởi sông Ba nên muốn đến làng vào mùa nước lớn buộc phải dùng đò, bằng không phải đi đường vòng chừng 20 km. Làng Kia 2 có 98 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Bahnar nhưng có 43 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nhưng do thói quen canh tác lạc hậu cộng với việc làng chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi nên năng suất cây trồng đạt thấp, thậm chí có năm mất trắng! Do đó với người dân nơi đây, cây mía được xem là lựa chọn số một, bởi nó có khả năng chịu hạn, phù hợp với nhiều loại đất, giá cả tương đối ổn định và có đầu ra bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, cây mía cũng lại là thách thức lớn đối với người dân trong làng. Bởi lẽ, trồng mía đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn để đầu tư mua giống, phân bón... và hơn thế là phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật…

 

Ảnh: P.D
Ảnh: P.D

Vài năm trở lại đây, một số hộ dân trong làng cũng bắt tay vào trồng mía nhưng vì không đủ vốn nên phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tư thương. Các tư thương cho các hộ gia đình ứng trước tiền chăm sóc mía, rồi tiền chi tiêu hàng tháng, đến cuối năm thu hoạch, họ sẽ tính cả vốn lẫn lãi một lần, vì vậy thu hoạch xong bà con cũng vừa đủ trả nợ. Và cứ như thế, mong muốn thoát nghèo của bà con dường như bế tắc.  

Đầu năm 2015, được tin có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên về hỗ trợ triển khai nhóm cải thiện sinh kế trồng mía, bà con trong làng vô cùng phấn khởi. Một trang mới đã mở ra cho cuộc sống của bà con nơi đây, nhất là 10 hộ dân thuộc diện được hỗ trợ tham gia nhóm LEG. Trước khi nhóm được thành lập, dự án đã phối hợp với cán bộ ở làng họp để thông báo sơ bộ về ý nghĩa của dự án cũng như các quy định hỗ trợ của dự án. Ông Đinh Ninh-thành viên nhóm LEG, thật thà nói: “Trước đây, đất sản xuất của nhà mình toàn cho người khác thuê, họ bỏ phân, bỏ giống, vốn, còn mình chỉ đi làm cỏ thuê cho họ. Thỉnh thoảng hết tiền tiêu, mình xin ứng trước một ít, đến cuối vụ thu hoạch, nếu người thuê đất tính toán trừ các khoản chi phí mà còn lời thì trả thêm cho mình một ít, nếu họ nói không có lời thì thôi!”.

Không riêng gia đình ông Đinh Ninh mà nhiều hộ dân trong làng vì không có vốn sản xuất, không có kỹ thuật trồng trọt nên đều chọn cách cho người khác thuê đất. Có người cho thuê đất rồi trở thành người làm thuê trên chính đất của gia đình… Vì vậy, khi được chọn tham gia nhóm LEG, họ như nắm được “chiếc phao” cứu sinh và ai nấy đều quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Trước tiên, 10 hộ trong nhóm đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực và biện pháp chọn giống cũng như kỹ thuật cày-bừa, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây mía, cách nhận biết cây bị sâu bệnh… Được dự án hỗ trợ vốn, các hộ tham gia nhóm cũng trực tiếp cùng với Ban Phát triển xã, cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng khảo sát giá, chọn mua giống mía cho năng suất cao-giống mía K95-84, rồi các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Chưa hết, cán bộ của dự án cũng trực tiếp xuống ruộng để hướng dẫn bà con các bước cần thiết trong quá trình trồng, từ cách làm đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc cây mía… Nhờ vậy, các hộ dân trong nhóm đã dần thay đổi “cách nghĩ, cách làm” vốn đã “ăn sâu” trong tiềm thức. Ông Đinh Dớt-thành viên nhóm LEG trồng mía làng Kia 2, phấn khởi: “Lâu nay, người dân trong làng mình vẫn quen với kiểu canh tác truyền thống, sau đó phó mặc hoàn toàn cho thiên nhiên nên năng suất cây trồng không cao, năm được năm mất. Nhờ tham gia nhóm LEG, được cán bộ hướng dẫn tận tình, mình hiểu được rằng, muốn trồng cây gì cũng cần phải có kiến thức, phải mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật thì năng suất cây trồng mới cao”.

Đến nay, ruộng mía đã được 80 ngày tuổi và đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại một vụ mùa bội thu, cải thiện cuộc sống cho các hộ tham gia. Trưởng nhóm trồng mía làng Kia 2, Đinh Thị Hlech, vui mừng nói: “Bà con rất ưng cái bụng khi được dự án hỗ trợ nên ai cũng chăm sóc để cây mía phát triển xanh tốt. Không bao lâu nữa, bà con trong làng sẽ thoát khỏi cái nghèo thôi”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm