Thời sự - Bình luận

Khi Bộ trưởng Bộ Y tế nói không với những "xe tải giấy má"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ với một chữ ký, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giúp tiết kiệm 2,4 triệu ngày công, tương đương 652 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, cho xã hội.
 
Ngày 20.11.2020, Bộ Y tế khai trương Cổng công khai y tế sau nhiều năm với phương châm người dân có quyền được biết và giám sát các dịch vụ do ngành y tế cung cấp. Ảnh: MOH
Ngày 20.11.2020, Bộ Y tế khai trương Cổng công khai y tế sau nhiều năm với phương châm người dân có quyền được biết và giám sát các dịch vụ do ngành y tế cung cấp. Ảnh: MOH
Đó là chữ ký ban hành Thông tư 29 ngày 31.12.2020 sửa đổi, bãi bỏ một lượng kỷ lục những văn bản cũ không còn phù hợp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Và con số tiết kiệm 2,4 triệu ngày công - 652 tỉ đồng là tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, vừa hôm trước đã nói về những “tồn đọng” trong câu chuyện “số hoá” trên giấy và ngoài thực tế: “Có doanh nghiệp nói với tôi, mặc dù hầu hết các thủ tục hiện nay đều qua mạng, song vẫn còn một bước cuối cùng là phải in “một xe tải giấy má” đến để nộp, kèm đó là phải có phong bì...”.
Câu chuyện của TS Lê Đăng Doanh cho thấy một thực tế. Cho thấy sự khác biệt giữa quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan, các công chức thực hiện quyết tâm ấy.
Cái “xe tải giấy má” - như một thứ “lệ làng”, để “hành là chính”, để sách nhiễu, và để đằng sau đó là phong bì, là “chi phí không chính thức”.
Ai sẽ là người có thẩm quyền trực tiếp để “đẻ” ra thêm cái “bước cuối” ấy, đẻ ra thứ lệ làng ấy? Chính là các bộ ngành thẩm quyền dấu đè chữ ký, và nhiều khi chỉ là một “ông chuyên viên”.
Trở lại với thông tư 29 của Bộ Y tế, một trong những quy định được đánh giá là “cách mạng” chính là việc thông tư, giấy trắng mực đen - có quy định chấp nhận để doanh nghiệp được nộp các hồ sơ, tài liệu bản điện tử, cung cấp đường dẫn để cơ quan quản lý tra cứu trực tiếp và hậu kiểm.
Đây chính là việc bạch hoá việc hậu kiểm, chính là cách nói không với những “xe tải giấy má”. Đây chính là một ví dụ về chuyển đổi số, về 4.0 trong quản lý. Và đây chính là quản lý không tiếp xúc, “Chính phủ không tiếp xúc” - điều mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh như một mục tiêu trong việc xây dựng chính phủ điện tử.
Mạnh dạn cắt bỏ kỷ lục các quy định không còn phù hợp, Thông tư 29 đã tạo ra những thay đổi ngoạn mục mang tính chất đột phá trong những lĩnh vực quản lý mỹ phẩm, dược phẩm... tạo ra những tác động lớn trong môi trường đầu tư kinh doanh, giảm gánh nặng đeo đẳng DN trong suốt thời gian qua.
Nghị quyết 02 của Chính phủ năm nay đặt các biện pháp cải cách dựa trên chuyển đổi số với các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, nhằm tạo thuận lợi tối đa, minh bạch tối đa.
Xét cho cùng, nó chỉ thành công nếu tất cả các bộ ngành đều nói không với những “xe tải giấy má”, sẵn sàng đặt ưu tiên quyền lợi người dân và doanh nghiệp lên trên cái... phong bì.
ĐÀO TUẤN (LĐO)

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-bo-truong-bo-y-te-noi-khong-voi-nhung-xe-tai-giay-ma-870643.ldo

Có thể bạn quan tâm