(GLO)- Theo quy định của Bộ Giao thông-Vận tải, từ 1-6-2019, những hành khách trong tình trạng say xỉn, mất kiểm soát hành vi có thể bị các hãng hàng không từ chối chuyên chở để tránh những sự cố phức tạp nảy sinh.
Chuyện dở khóc, dở cười
Vận tải hàng không lâu nay luôn được “gắn mác” là loại hình vận tải hạng sang. Tuy nhiên, trên một số chuyến bay, không ít hành khách đã phải chứng kiến những cảnh dở khóc, dở cười do hành khách say xỉn gây ra.
Anh Nguyễn Văn Hòa (thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang) kể lại: Trong một chuyến bay từ Cảng Hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định) đi Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (thời điểm Cảng Hàng không Pleiku đóng cửa để nâng cấp), anh và những hành khách trên máy bay được một phen cười nghiêng ngả khi một hành khách nam say rượu yêu cầu phi hành đoàn… dừng máy bay để đi vệ sinh cá nhân. “Sau khi được mọi người nhắc nhở và tiếp viên hàng không giải thích, anh ta mới thôi yêu cầu dừng bay và… ngủ tiếp”-anh Hòa kể lại.
Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: L.H |
Chị Nguyễn Thị Thu Hà-giáo viên một trường mầm non trên địa bàn TP. Pleiku cũng từng chứng kiến một tình huống không cười nổi trên một chuyến bay. Chị chia sẻ: Năm 2014, trong chuyến du lịch, gia đình chị có mặt trên chuyến bay từ Cảng Hàng không Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đi Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Tuy chỉ là một chuyến bay ngắn nhưng hành khách hôm ấy bị tra tấn thực sự bởi một hành khách đã quá chén, hoàn toàn không còn đủ tỉnh táo để làm chủ hành vi. “Máy bay cất cánh được chừng 15 phút thì anh này đột nhiên đứng dậy và… tiểu tiện thẳng vào một hành khách nữ ngồi ở hàng ghế phía trước. Quá bất ngờ, chị hành khách này hét lên và mọi người phải tập trung lại can thiệp. Mặc cho bị phản ứng gay gắt, nạn nhân òa khóc vì sốc, các tiếp viên tìm mọi cách yêu cầu tuân thủ quy định của hãng và di chuyển về nơi vệ sinh đã được bố trí… vị khách này vẫn tảng lờ mọi chuyện, không xin lỗi và… ngồi xuống ngủ tiếp”-chị Hà nhớ lại.
“Ma men” sẽ bị từ chối vận chuyển
Thời gian qua, báo chí đã đăng tải một số trường hợp hành khách say xỉn dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây ồn ào, thậm chí đe dọa hành khách và nhân viên sân bay ở một số cảng hàng không. “Tại Cảng Hàng không Pleiku thực tế cũng từng có một vài trường hợp hành khách có hơi men, đến trễ giờ quy định và không được lên máy bay nên đã có lời lẽ to tiếng. Tuy nhiên, sau khi được giải thích thì họ cũng chấp hành việc xử lý, không đẩy vấn đề đi quá xa”-ông Nguyễn Quang Huân-Phó Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku-chia sẻ.
“Từ khi nắm bắt được quy định này, lúc bán vé cho các hành khách nam, chúng tôi luôn chủ động nhắc nhở hạn chế sử dụng rượu, bia trước giờ bay, tránh quá chén để rơi vào tình huống khó xử”-chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, chủ đại lý bán vé máy bay tại 58/15 Lạc Long Quân (TP. Pleiku) cho biết. |
Theo ông Huân, trước đây, quy định về việc các hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia, chất kích thích đã được đề cập tại Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT ngày 1-2-2016 của Bộ Giao thông-Vận tải. Gần đây nhất, nội dung này tiếp tục được đề cập tại Điều 58, Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29-3-2019 quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-6-2019. Theo đó, kể từ ngày 1-6, các hãng hàng không sẽ “không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích”. Đây được coi là động thái nhằm siết chặt công tác đảm bảo an toàn bay, hướng đến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ. Ông Huân thông tin thêm: “Ngay sau khi Thông tư số 13 có hiệu lực, Cảng Hàng không Pleiku đã tổ chức 2 đợt phổ biến, tuyên truyền nội dung này đến tất cả các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng cũng như các đơn vị, lực lượng thường xuyên phối hợp. Sau gần nửa tháng kể từ khi Thông tư chính thức có hiệu lực, tại Cảng Hàng không Pleiku chưa có trường hợp nào khiến các hãng hàng không phải từ chối vận chuyển”.
Cũng theo Phó Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku, đơn vị thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải thật sự khéo léo nhưng không kém phần cương quyết trong tình huống gặp hành khách say xỉn, có biểu hiện mất khả năng làm chủ hành vi, qua đó hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Cảng, hãng bay và những hành khách khác. Tuy nhiên, nói về cái khó trong việc xử lý theo thông tư này, ông Huân cho rằng, các nội dung quy định tại Thông tư còn khá mơ hồ. Tuy hành khách trên các chuyến bay không phải là đối tượng làm chủ phương tiện và phải được kiểm tra nồng độ cồn như khi lưu thông trên đường bộ nhưng nên chăng cần có cách thức “định lượng” rõ ràng, cụ thể với những hành khách say xỉn nhằm hỗ trợ nhân viên các hãng hàng không trong quá trình thực thi.
LÊ HÒA