Kinh tế

Giá cả thị trường

Khi nào người dân được lựa chọn mua điện từ các đơn vị bán lẻ trực tiếp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ độc quyền đối với ngành điện, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn độc quyền sản xuất điện, nhưng người dân và doanh nghiệp hiện chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua điện của EVN. Thế độc quyền đó có thể thay đổi không, và sẽ thay đổi như thế nào?

Lộ trình tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Xóa độc quyền trong ngành điện được tính đến từ hơn 10 năm trước theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Từ năm 2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành với 32 nhà máy tham gia. Đến năm 2020, số đơn vị tham gia đã có hơn 100 nhà máy. Đến nay, EVN không còn độc quyền phát điện, chỉ sở hữu 37%, các doanh nghiệp tư nhân sở hữu 42%, còn lại do các doanh nghiệp nhà nước khác, các dự án BOT nắm giữ và một tỷ lệ nhỏ khoảng 1% là điện nhập khẩu.

Đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành. Từ đây, EVN không còn là đơn vị độc quyền mua điện mà có thêm 5 tổng công ty điện lực tham gia, nhưng tất cả đều là doanh nghiệp nhà nước, nên không thể nói là xóa độc quyền.

Không thể xóa độc quyền ngành điện. Ảnh: TN
Không thể xóa độc quyền ngành điện. Ảnh: TN

Để tháo gỡ những vướng mắc về quan điểm và định hướng chính sách, ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ trương “xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Nghị quyết còn nêu rõ: “Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp”. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xóa độc quyền triệt để đối với ngành điện.

Cũng từ năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương ra Quyết định 2093/QĐ-BCT (ngày 7.8.2020) phê duyệt đề án thiết kế mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với một lộ trình rõ ràng qua 3 giai đoạn. Đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị, từ năm 2022 - 2024 cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường giao ngay. Từ sau năm 2024, cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Để bảo đảm thực hiện lộ trình này, vào đầu năm 2022, Quốc hội mới sửa một số điều của luật Điện lực (có hiệu lực từ 1.3.2022) hợp nhất sửa đổi một số điều khoản của 9 luật khác.

Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành, sẽ có nhiều đơn vị bán lẻ điện, bao gồm doanh nghiệp nhà nước và các nhà máy điện của tư nhân tham gia. Khi ấy, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn mua điện của đơn vị nào mà họ thấy phù hợp.

Khi hệ thống truyền tải vẫn độc quyền, giá điện sẽ do thị trường quyết định như thế nào?

Theo mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các đơn vị bán lẻ sẽ bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng. Các đơn vị bán lẻ điện cũng sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tức là việc mua buôn điện không còn là độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước nữa mà tư nhân cũng sẽ tham gia. Khách hàng có thể lựa chọn đơn vị bán điện phù hợp với họ, của EVN, của các nhà máy điện tư nhân hay của các doanh nghiệp khác, thông qua hợp đồng với giá cả thỏa thuận.

Nếu không mua điện của EVN thì các đơn vị bán điện không phải của EVN sẽ đưa điện đến khách hàng bằng cách nào khi đường truyền tải vẫn do EVN quản lý? Hệ thống truyền tải điện là độc quyền tự nhiên, dù Bộ Chính trị cho phép tư nhân đầu tư vào truyền tải điện bên cạnh đường truyền tải độc quyền của nhà nước, nhưng trong tương lai gần thì hệ thống truyền tải này vẫn là duy nhất. Nhà nước sẽ tách nó ra thành một hệ thống độc lập, không liên quan đến các hoạt động kinh doanh của EVN, thành hệ thống dùng chung cho mọi doanh nghiệp của các thành phần kinh tế.

Đơn vị bán lẻ điện sẽ kết nối đưa điện lên hệ thống này đến thẳng địa chỉ của người tiêu dùng và sẽ trả chi phí truyền tải và điều độ cho đơn vị quản lý hệ thống này. Nó sẽ phải đối xử bình đẳng và minh bạch đối với tất cả đơn vị sử dụng. Khách hàng nếu không thích mua điện của đơn vị này thì thanh lý hợp đồng để chuyển sang hợp đồng mua điện với đơn vị khác, nhưng điện vẫn đi qua đường truyền đó, khách hàng không phải chuyển nhà hoặc chuyển công ty đi chỗ khác.

Giá điện lúc này sẽ gồm giá mua điện theo thỏa thuận và một phần chi phí truyền tải và điều độ. Giá truyền tải và điều độ do nhà nước quyết định nhưng cũng sẽ phải căn cứ tính đúng tính đủ đầu vào đầu ra theo các công cụ của thị trường. Nhiều nước, kể cả Anh và Mỹ, đều áp dụng theo cách này chứ không riêng nước ta. Họ chỉ áp dụng các chế định sao cho hệ thống dùng chung này minh bạch và hiệu quả, không bị lũng đoạn.

Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm nay lỗ hơn 35.400 tỉ đồng. Ảnh: TN

Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm nay lỗ hơn 35.400 tỉ đồng. Ảnh: TN

Khi đơn vị bán lẻ điện phải cạnh tranh, họ sẽ phải sản xuất điện với giá thành thấp nhất hoặc mua buôn điện với giá thấp nhất. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất điện cải tiến quản lý và áp dụng nghệ tiên tiến nhất mà không cần sự chỉ đạo của các cơ quan Chính phủ. Họ cũng sẽ bán điện cho khách hàng với giá thấp nhất để có thể cạnh tranh với đơn vị khác. Ai không đủ khả năng cạnh tranh sẽ bị loại khỏi thị trường.

Lộ trình và mô hình thì đã có. Vấn đề là thực thi. Nó đòi hỏi phải sớm bổ sung luật lệ, cải cách bộ máy và có sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ. Trong tình hình Giám đốc Công ty mua bán điện của EVN bị khởi tố bắt giam, Tổng giám đốc EVN và một loạt quan chức ngành của ngành điện và của Bộ Công thương bị xử lý kỷ luật hoặc bị khởi tố vì những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý ngành điện, việc thực hiện cải cách thị trường điện đang là một bài toán chưa thấy lời giải.

Bộ Công thương công bố số liệu của EVN cho thấy, giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm nay lỗ hơn 35.400 tỉ đồng, nhưng do giá điện tăng hồi tháng 5 nên số lỗ của 8 tháng năm 2023 là 28.700 tỉ đồng.

Điều này cho thấy gì? Nó cho thấy trong 3 tháng sau khi tăng giá điện, EVN phải có lời thì mới kéo khoản lỗ 6 tháng đầu năm xuống, nếu mức tăng 3% chỉ bù đắp một phần chi phí mà tiếp tục lỗ thì mức lỗ của 8 tháng phải cao hơn của 6 tháng chứ sao lại thấp hơn?

Có thể bạn quan tâm