Xã hội

Lao động - Việc làm

Khi người mù hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được Hội Người mù tỉnh Gia Lai giúp đỡ, các hội viên có thêm động lực để học tập, hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi giải độc. Nhiều hội viên nhờ đó mà có việc làm ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Địa chỉ tin cậy

Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi tại số 28 Nguyễn Du (TP. Pleiku) hiện có 15 nhân viên là hội viên Hội Người mù tỉnh. Trong đó, 6 hội viên nữ đang hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi. Giá niêm yết công khai tại 12 phòng kinh doanh của cơ sở này là 100.000 đồng/60 phút xoa bóp, bấm huyệt toàn thân; 50.000 đồng/người/lượt xông hơi cổ truyền bằng 5 loại dược liệu; 30.000 đồng/người/lượt chườm đá nóng; 20.000 đồng/người/lượt giác hơi theo yêu cầu…

Khi sử dụng dịch vụ tại đây, hầu hết khách hàng đều cảm thấy thoải mái, hài lòng. Chị Trần Thị Tố Uyên (tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phấn khởi chia sẻ: “Tôi thường rủ người thân đến đây xoa bóp, bấm huyệt để phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc mệt mỏi và ủng hộ những người mù hành nghề mưu sinh. Mỗi lần được xoa bóp bấm huyệt, tôi thấy rất sảng khoái, dễ chịu”.

Anh Rơ Mah Thơm hành nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi tại số 28 Nguyễn Du, TP. Pleiku. Ảnh: H.C

Anh Rơ Mah Thơm hành nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi tại số 28 Nguyễn Du, TP. Pleiku. Ảnh: H.C

Còn ông Nguyễn Tấn Hy (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) thì tấm tắc khen: “Cơ sở này có những người mù hành nghề nhiệt tình, vui vẻ, xông hơi cổ truyền bằng 5 loại dược liệu rất hiệu quả. Lần nào ra TP. Pleiku, tôi cũng đến đây xông hơi để lưu thông khí huyết, tăng sức đề kháng cho cơ thể”.

Ông Hoàng Văn Em-Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: “Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi do Hội Người mù tỉnh quản lý. Những năm qua, cơ sở còn đào tạo 60 kỹ thuật viên đủ điều kiện hành nghề, thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng”.

Mái ấm của người khiếm thị

Ngoài 12 phòng học tập và kinh doanh, cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi này còn có nơi ăn ở, sinh hoạt dành cho hội viên Hội Người mù tỉnh. Tại đây, ngày 1-6 vừa qua, anh Phan Minh Toàn (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku) đã kết hôn với chị Rơ Châm H’Win (làng Rơ Va, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh). Đây là cặp đôi thứ 7 do Hội Người mù tỉnh và cơ sở tác hợp, hỗ trợ tổ chức đám cưới. Không giấu được niềm vui, anh Toàn cảm động cho biết: Gia đình anh có 3 anh chị em bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ người cha.

“Trước năm 1975, ba tôi tham gia hoạt động cách mạng ở căn cứ tỉnh Bình Định nên bị nhiễm chất độc hóa học. Bị di chứng, bệnh tật hành hạ nhưng nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm giúp đỡ của tổ chức Hội, cộng đồng nên đời sống đỡ vất vả. Được Hội Người mù tỉnh và cơ sở tác hợp, hỗ trợ tổ chức đám cưới, tôi rất vui mừng”-anh Toàn kể.

Trước đó, anh Rơ Mah Thơm (làng Yít Rông, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) cũng được Hội Người mù tỉnh và cơ sở tác hợp, hỗ trợ tổ chức lễ thành hôn với chị Rơ Lan H’Ún (cùng làng Yít Rông). Anh chị hiện đã có 2 con.

Anh Thơm chia sẻ: “Vợ chồng mình đều bị mù 2 mắt từ nhỏ, nhưng may mắn sinh các con đều bình thường. Gia đình mình được UBND huyện Đức Cơ hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Bò đã đẻ 1 con bê vào năm 2023 và đang chuẩn bị đẻ lứa thứ 2. Vợ chồng mình luôn biết ơn mọi người và cố gắng học chữ nổi, ứng dụng thiết bị công nghệ, nỗ lực làm việc mỗi ngày để ổn định cuộc sống”.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết thêm: Hội hiện có gần 800 hội viên, đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Được sự quan tâm của các ngành, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân, các hội viên đã từng bước vượt qua khó khăn, phát huy khả năng của bản thân để làm việc, xây dựng gia đình, hòa nhập với cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào của Hội.

Có thể bạn quan tâm