Thời sự - Bình luận

Khi những 'vành đai' vươn mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một trong những “điểm nghẽn” được nhận diện rõ nhất trong và sau đại dịch Covid-19 là hạ tầng giao thông kết nối tiểu vùng Đông Nam bộ. 

Một khi các cửa ngõ nội đô bị tạm khóa (do phong tỏa giãn cách để phòng chống dịch bệnh) thì hầu như không có một đường vành đai nào để lưu chuyển hàng hóa, thiết bị cho các địa phương. Nếu có thì đường Vành đai 2 TPHCM chỉ mới ở giai đoạn “vành khuyên”, còn hơn chục kilômét chưa khép kín.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM chia thành 8 dự án thành phần, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM chia thành 8 dự án thành phần, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025

Vì vậy, ngay thời điểm vừa tập trung chống dịch, lãnh đạo TPHCM đã vừa thúc đẩy cho đường Vành đai 3 TPHCM chuyển động. Kết quả, bước qua giai đoạn đầu của phục hồi - tái thiết, 2 công cụ thiết yếu là Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM của Quốc hội đã được thông qua và đi thẳng vào thực tiễn đang đòi hỏi, kỳ vọng.

Một nghị quyết ra đời (Nghị quyết 57) để tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, nguồn lực đã cho thấy tính cấp thiết của dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Một nghị quyết với các cơ chế, chính sách đặc thù (Nghị quyết 98) đã giúp TPHCM vận dụng những điểm mới, điểm mở và ưu tiên các tính năng đặc thù vào các phương thức tiếp cận để giải quyết vấn đề. Và kết quả vận hành đã không phụ lòng khi đường Vành đai 3 TPHCM đã tạo nên kỳ tích.

Trong đó, với cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và tăng tổng mức đầu tư từ nguồn tăng thu của địa phương đã giúp dự án bố trí được nguồn vốn trung ương, địa phương cho khâu “xương xẩu” là giải phóng mặt bằng và việc này đã hoàn thành ngay trong năm 2023.

Chưa kể, cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng. Hay việc cho phép các dự án thành phần được thực hiện trình tự thủ tục quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A đã tăng tính chủ động, trách nhiệm, tạo rất nhiều thuận lợi trong việc rút ngắn các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

Ngay cả khó khăn lớn về khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường trong quá trình triển khai, TPHCM cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An để giải quyết.

Không dừng lại ở đó, với tầm nhìn xa, tận dụng thời cơ huy động tổng lực nguồn lực để góp phần hiện thực hóa “Kỷ nguyên vươn mình”, đường Vành đai 4 TPHCM đang trên đường đua để sớm về đích. Trong khi đường Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 tỉnh thành thì đường Vành đai 4 TPHCM là tuyến vành đai ngoài cùng, bao bọc 5 tỉnh thành Đông Nam bộ.

Do đó, tuyến vành đai này không chỉ kết nối với hầu hết các tuyến quốc lộ và các trục cao tốc của tiểu vùng, mà còn tạo mạng lưới giao thông, nhất là giữa giao thông đường bộ và giao thông thủy - cảng biển, hình thành chuỗi logistics Đông Nam bộ. Kế thừa ưu điểm và rút kinh nghiệm từ dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 đang và sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn.

TPHCM dù là địa phương có diện tích đường dự án đi ngang qua khá khiêm tốn (gần 20km) so với tỉnh nhiều nhất là Long An (60km), nhưng với vai trò đầu tàu của cả vùng nên đã được Chính phủ giao cho nhiệm vụ làm cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập.

Và với nỗ lực không ngừng nghỉ của 5 địa phương, dự án đường Vành đai 4 đã hoàn tất hồ sơ tổng thể trong thời gian ngắn kỷ lục. Mới nhất là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được trình gửi Thủ tướng và Bộ KH-ĐT trước khi trình Quốc hội xem xét.

Dự án đường Vành đai 4 TPHCM là dự án đường bộ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở vùng Đông Nam bộ, mở ra tuyến trung chuyển hàng hóa từ các vùng kinh tế, cụm ngành công nghiệp (từ Campuchia về khu vực Hiệp Phước, ra Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TPHCM) trước khi xuất khẩu đi nước ngoài) và đặc biệt góp phần mở không gian cho các đô thị vệ tinh, phát triển các khu vực nông thôn của 5 địa phương tiểu vùng.

Dự án là minh chứng cho tư duy và phương pháp hành động quyết tâm phối hợp giữa các bộ ngành, giữa trung ương với địa phương cùng tháo gỡ các “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, cụ thể hóa từng bước đi trong cả 3 trụ cột hạ tầng - thể chế - nhân lực để góp phần tạo nên một “Kỷ nguyên vươn mình”.

Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm