Từ các sản phẩm như robot, máy móc nông nghiệp, máy bán hàng tự động… của Open Lab, nhiều sinh viên có cơ hội bước ra khỏi các đề án ‘làm xong rồi để đó’.
Các sinh viên của Open Lab hoàn thành bộ phận sấy của máy phân loại chanh - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Mới đây, trong cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" 2019 (SV.Start-up) do Bộ Giáo dục - đào tạo tổ chức, mô hình Phòng thí nghiệm mở (Open Lab) của thầy trò Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã giành giải nhì chung cuộc, chỉ xếp sau "chủ nhà" Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thay những dự án trên giấy
Chúng tôi đến Open Lab khi một nhóm sinh viên đang bận rộn chỉnh bộ phận sấy khô của chiếc máy phân loại chanh trong xưởng.
Tiếp chuyện, Nguyễn Đức Huy - 1997, sinh viên khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết chiếc máy là đặt hàng của huyện Phú Giáo (Bình Dương) khi muốn có thiết bị hỗ trợ công việc rửa, phân loại tự động nông sản với năng suất 2 tấn/ngày.
"Nhóm nghiên cứu đã trải qua 4 tháng khó khăn từ khi nhận đề tài, khảo sát, đến thiết kế, sửa chữa, qua nhiều thất bại mới có được thành phẩm. Hiện nhóm đang chỉnh sửa lần cuối bộ phận sấy trước khi chuyển giao trong tuần này" - Huy nói.
Chị Nguyễn Ngọc Thu - phó trưởng Phòng kinh tế huyện Phú Giáo - chia sẻ, trong những lần vận hành máy thử nghiệm, các chuyên gia đánh giá máy hoạt động tốt. "Sau khi bàn giao, chúng tôi sẽ đến giai đoạn vận hành, nếu có những gì không phù hợp sẽ tiếp tục điều chỉnh" - chị Thu nói.
Đó là một trong nhiều dự án mà Open Lab của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đang thực hiện. Nhiều năm qua, phòng thí nghiệm này vừa là nơi nghiên cứu những công nghệ mới, vừa là nơi chế tạo, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị doanh nghiệp.
Đặc biệt, phần lớn nhân sự đảm nhiệm các dự án của doanh nghiệp chính là sinh viên.
Lương Hữu Thành Nam - 1997, khoa cơ khí chế tạo máy - là một trong những thành viên gắn bó lâu nhất với Open Lab, từ khi còn là sinh viên năm nhất. Qua nhiều dự án, Nam chia sẻ phòng thí nghiệm trao cơ hội cho sinh viên tiếp cận với những bài toán thực tiễn, khác với nhiều đề án thường thấy.
Nhiều sản phẩm của Open Lab được đánh giá cao như máy rửa, sấy và phân loại chanh, bưởi, xoài, máy fillet cá bò, máy rút ruột chanh dây, máy tách vỏ và cắt hạt lựu nha đam, máy bán phở tự động, robot chăm sóc sức khỏe…
"Mình thấy một số đề án thông thường khi làm xong rồi thì để đó, hoặc có bạn rã các sản phẩm ra lấy nguyên liệu, nên có phần phí" - bạn Nam nói.
Làm với sinh viên có nhiều cái… "khổ"
Sinh viên thiết kế ban đầu chỉ cho bộ phận sấy dài chưa đến nửa mét, sau phải thiết kế lại dài đến 3 mét - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hiện nay, Thành Nam cũng là một trong số hơn 20 thành viên chủ chốt của Open Lab, bao gồm các sinh viên gắn bó lâu năm với phòng thí nghiệm, trong đó có cả các sinh viên đã tốt nghiệp.
Nam chia sẻ, phòng thí nghiệm gần như là "chốn vui" của nhiều sinh viên sau mỗi giờ học đến đây nghiên cứu và thực hiện đề tài, như Nam ngày nào cũng đến Open Lab.
Đặc biệt, những hôm dự án đến giai đoạn nước rút, Open Lab sáng đèn đến tận tối muộn, nơi các sinh viên phải gấp rút hoàn thiện các sản phẩm.
Thông thường, Open Lab sẽ đảm nhiệm nhiều đề tài một lúc. Mỗi đề tài sẽ được phân cho 3-4 thành viên nắm chính, cùng một số bạn hỗ trợ, trong đó mỗi người sẽ có từng điểm mạnh khác nhau như cơ khí, điện, hay điện tử.
Hằng tuần, các nhóm dự án sẽ có các buổi họp mặt với giảng viên để báo cáo tiến độ, cũng như cùng nhau suy nghĩ giải quyết các vấn đề phát sinh.
Theo PGS.TS Võ Trường Thịnh - trưởng khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một điều có thể thẳng thắn thừa nhận rằng phần lớn khách hàng không tin vào khả năng của sinh viên, do đó các giảng viên và khoa thường lấy uy tín của mình để được đối tác giao các đề án.
Trong quá trình triển khai, các giảng viên vẫn luôn theo dõi và hỗ trợ sinh viên, vì phải đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Để mở rộng mối liên kết, Open Lab thường xuyên đem các sản phẩm mới tới các triển lãm công nghệ để giới thiệu đến khách hàng.
Thầy Võ Trường Thịnh (bìa trái) góp ý cho dự án của sinh viên - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thầy Thịnh chia sẻ, sản phẩm của sinh viên vẫn thường mang nhiều tư duy thiết kế… "sinh viên", nghĩa là tính ổn định không cao.
"Điều này khó chấp nhận với doanh nghiệp, bởi họ không thể chấp nhận một sản phẩm công nghệ mà hôm nay chạy được, hôm sau lại không. Làm việc với sinh viên cũng có nhiều cái "khổ", như với các dự án từ doanh nghiệp, sinh viên làm nhiều lúc vẫn phải thử và sai nhiều, có khi chịu lỗ một số hợp đồng. Chúng tôi phải chấp nhận là bài học, cho chúng tôi sự chủ động, và cho sinh viên cơ hội vừa làm vừa học" - thầy Thịnh nói.
Chẳng hạn với máy phân loại chanh, khi đem thiết kế trên lý thuyết ra sản phẩm, gặp phải một số điểm có độ chênh lớn. Quốc Huy chia sẻ lúc thiết kế, nhóm chỉ cho bộ phận sấy của máy dài chưa đến nửa mét, nhưng khi ra sản phẩm không làm khô kịp như kỳ vọng. Sau đó, nhóm làm hẳn một khung sấy riêng dài hơn 3 mét mới đáp ứng yêu cầu.
Tập viết báo cáo khoa học
Đầu tháng 11 tới, nhóm sinh viên của khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về công nghệ robot thông minh và ứng dụng (RiTA 2019). Tại đây, nhóm sẽ trình bày và phản biện 3 bài báo khoa học của mình về hoạt động robot.
Theo Thành Nam, trong quá trình làm việc tại Open Lab được nhiều thầy cô thúc ép phải viết báo cáo khoa học sau mỗi khi nghiên cứu mới. Riêng Nam, đến nay đã có được 2 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, riêng về lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo.
Theo PGS.TS Võ Trường Thịnh, viết báo khoa học tiếng Anh gần như bắt buộc với các thành viên trong Open Lab khi có sản phẩm mới. "Nếu không công bố thì chưa phải làm khoa học. Hoạt động này giúp các bạn trẻ cân bằng giữa thực tế và lý thuyết, giúp các bạn có cơ hội cạnh tranh nhiều hơn" - thầy Thịnh nói.
|
Trọng Nhân (TTO)