Bạn đọc

Khi "thú cưng" trở thành ẩn họa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hơn 1 tuần qua, việc TP. Hồ Chí Minh ra quân bắt chó thả rông trở thành thông tin “nóng ran” trên nhiều tờ báo điện tử và mạng xã hội. Trong vô vàn ý kiến phản hồi về chuyện này, hầu hết đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Thậm chí, những người không sống ở TP. Hồ Chí Minh còn mong muốn địa phương của họ cũng sớm thành lập lực lượng chuyên trách để xử lý tình trạng chó thả rông.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thoạt nhìn vào phản ứng đó của dư luận có vẻ hơi khó tin bởi đối với người Việt, chó luôn được coi là con vật thân thiết, gần gũi nhất. Hầu như gia đình nào ở nước ta, dù giàu hay nghèo, cũng đều đang hoặc từng nuôi chó. Ngoài chức năng là một “người bảo vệ” tin tưởng cho ngôi nhà khỏi sự xâm hại của kẻ xấu, chó còn được nhiều người, nhất là những người sống một mình, thiếu thốn tình cảm, coi như bầu bạn bởi loài vật này nổi tiếng là trung thành, nghĩa tình với chủ. Và cũng bởi coi chó là con vật yêu quý, là “thú cưng” nên dễ hiểu tại sao lâu nay nhiều người luôn phản ứng dữ dội trước nạn trộm chó hay thói quen ăn thịt chó.

Nhưng dù có yêu quý chó đến bao nhiêu thì hẳn chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, loài vật này đã và đang gây ra những nỗi phiền toái về vệ sinh môi trường, thậm chí là ẩn họa cho sức khỏe, tính mạng cộng đồng khi nó không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc được thả rông. Bằng chứng là trong cuộc họp ngày 14-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 56 người tử vong do bệnh dại, tương đương với số ca tử vong của năm 2016. Cũng theo ông Long, mỗi năm cả nước có 240-300 trường hợp tử vong do các bệnh truyền nhiễm, trong đó khoảng 1/3 là do bệnh dại. Đương nhiên, đối tượng chính gây ra bệnh dại là chó.

Cùng với việc lây lan bệnh dại sang người, chó thả rông còn là “hung thần” với người tham gia giao thông, nhất là những người đi xe máy. Dù chưa có một thống kê nào được đưa ra song trong số các vụ tai nạn giao thông ở nước ta chắc chắn có một tỷ lệ không nhỏ là do người điều khiển phương tiện tông phải chó thả rông. Cuối tháng 4 vừa qua, trong khi đi xe máy trên quốc lộ 27 (đoạn qua huyện Cư Kuin, tỉnh Đak Lak), do tông phải chó chạy qua đường, vợ chồng ông Bùi Thái Sở (trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak) đã ngã xuống đường và bị xe tải chạy ngược chiều cán vào làm tử vong tại chỗ. Sau đó gần 1 tháng, cũng do tông phải chó chạy trên đường, anh Phạm Văn Giàu (ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã tử vong.

Ngay tại Gia Lai, theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 5-7 ngàn người bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại và kháng huyết thanh dại với tổng số tiền bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng. Vậy nhưng trong 5 năm (2002-2006) vẫn có 8 người tử vong do bị chó dại cắn. Trước thực tế đó, giữa năm 2016, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong do bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở trên và các địa phương yêu cầu chủ vật nuôi phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó; cam kết không thả rông chó; phải đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt. Ngoài ra, các sở, địa phương cần có kế hoạch tổ chức thực hiện việc bắt giữ và xử lý theo quy định đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị… theo đúng quy định.

Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt như vậy song việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nuôi vẫn chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Như ở Pleiku, theo thống kê cuối năm 2016, toàn thành phố có khoảng hơn 16 ngàn con chó. Thế nhưng, tỷ lệ chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại mới chỉ đạt khoảng 1,6%, tức là cứ 100 con chó đang được người dân nuôi thì có đến hơn 98 con chưa được tiêm phòng bệnh dại. Đã vậy, việc xử lý tình trạng chó thả rông vẫn đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Đây rõ ràng là một ẩn họa khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Nước ta đã đặt mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020. Và để đạt mục tiêu này, ngày 31-7-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong số các quy định tại nghị định này (có hiệu lực từ ngày 15-9 năm nay) có việc phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với người nuôi chó không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Thiết nghĩ, để loại trừ bệnh dại và những ẩn họa do chó thả rông gây ra đối với cộng đồng, chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, mỗi người nuôi chó cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm với sự an toàn của cộng đồng. Bởi lẽ, không ai có quyền biến sự yêu thương “thú cưng” của mình thành mối đe dọa cho những người xung quanh.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm