(GLO)- Tỉnh lộ 664 nối từ TP. Pleiku đến xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) có chiều dài khoảng 60 km chạy ngang qua nhiều vùng dân cư đông đúc. Tỉnh lộ này được mở từ cuối những năm 50 đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bước đầu là để phục vụ cho việc đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lên thành lập các khu dinh điền như Lệ Minh, Lệ Kim cùng nhiều khu tập trung khác.
Tỉnh lộ 664 tại thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai. Ảnh:Hoàng Cư |
Sau ngày đất nước thống nhất, hưởng ứng chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ dân từ Quy Nhơn (Bình Định), từ tỉnh Hải Hưng cũ (nay là Hải Dương và Hưng Yên) đã cùng lên huyện Ia Grai xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh đó, các nông trường cà phê Ia Châm, Ia Blang, Ia Grai, nông trường 705 và sau này thêm các doanh nghiệp làm cao su được thành lập cũng thu hút một lượng lớn người dân từ các tỉnh phía Bắc vào làm công nhân. Nhiều khu dân cư sầm uất đã hình thành như: Ia Kha, Ia Tô, Ia Krai, Ia O.
Người đông hơn và tỉnh lộ 664 cũng đã có sự thay đổi lớn. Khoảng 30 năm về trước, cả tuyến đều là đường đất (trừ đoạn qua thị trấn Ia Kha), có đoạn rải cấp phối song hàng năm cứ đến mùa mưa, tỉnh lộ 664 trở thành nỗi khiếp sợ cho những ai phải qua lại. Qua khỏi xã Ia Dêr là hàng ngàn ổ gà, ổ trâu chi chít trên mặt đường. Rồi qua thị trấn Ia Kha, bắt đầu đổ xuống dốc Ia Châm, bùn ngập lên gần đến đầu gối. Ngày ấy, vào mùa mưa, hầu như tất cả mọi người đều đi bộ, tuyến đường hoàn toàn bị tê liệt, tốt nhất là vận chuyển bằng xe máy cày. Mùa khô thì ngày một chuyến xe khách từ Pleiku lên rồi về, chở theo các loại hàng hóa, thực phẩm cung ứng cho người dân trong vùng, chủ yếu là thịt, cá khô, rau xanh.
Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tuyến tỉnh lộ này mới thực sự thay đổi diện mạo, đặc biệt là từ khi các nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn được khởi công xây dựng như Sê San 3A, Sê San 4… thì toàn tuyến được nâng cấp, trải nhựa phục vụ cho việc vận chuyển máy móc, thiết bị thi công công trình. Rồi đến các khu dân cư sầm uất lần lượt mọc lên cùng hàng trăm ngàn héc ta cao su, điều, cà phê, hồ tiêu phủ kín diện tích đất các xã dọc tuyến đường. Vậy là xuất hiện thêm các tuyến xe khách đường dài chất lượng cao đến và đi trên tỉnh lộ nối huyện Ia Grai với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Thậm chí, ngay tại xã biên giới Ia O trước kia đìu hiu là thế bây giờ mỗi ngày đều có tuyến xe khách đi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tỉnh lộ 664 mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe khách, xe hàng tải trọng lớn chở phân bón, vật tư, vật liệu xây dựng… đi qua. Con đường trở nên chật hẹp và vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông bởi lưu lượng xe đông, mặt đường lại hẹp, nhất là qua các khu dân cư đông đúc.
Sau khi tỉnh Kon Tum tách huyện Sa Thầy, thành lập thêm huyện mới Ia Hdrai thì cây cầu bắc qua sông Sê San trên địa bàn xã Ia O (huyện Ia Grai) cũng hoàn thành thi công. Tỉnh lộ 664 từ đó giống như quốc lộ do 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã liên thông ở khu vực phía Tây nhờ cây cầu nối liền huyện Ia Hdrai (Kon Tum) và huyện Ia Grai. Lưu lượng xe cộ qua lại trên con đường này lại càng nhiều hơn trước, nhất là xe bên phía Kon Tum chở hàng hóa và hành khách chạy suốt ngày đêm, thay vì ra TP. Kon Tum rồi theo đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) xuống Gia Lai thì bây giờ đã có thể qua cầu rồi xuống thẳng TP. Pleiku. Trong khi đó, chất lượng đường 664 rất kém như đã nêu nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông.
Được biết, mới đây, Sở Giao thông-Vận tải đã quyết định đầu tư trên 3 tỷ đồng để sửa chữa một số đoạn hư hỏng trên tỉnh lộ 664. Tuy nhiên, khoản kinh phí này so với mức độ xuống cấp của con đường thì chỉ như “muối bỏ bể”. Nên chăng, ngành Giao thông-Vận tải cần có sự điều chỉnh về quản lý đường 664, nâng từ tỉnh lộ lên quốc lộ để có sự đầu tư quy mô, lâu dài nhằm bảo đảm yêu cầu về lưu thông của người dân 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum?
Thanh Phong