Phóng sự - Ký sự

Khi trái tim yêu thương dẫn lối - kỳ cuối: Cho đi là còn mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rất nhiều việc làm khác nhau như tặng tóc, phục vụ văn nghệ, ca hát… được cá nhân, tổ chức thực hiện nhằm mang lại niềm vui, tiếng cười giúp người bệnh thêm lạc quan, yêu đời, vơi đi nỗi đau bệnh tật…

Trao mái tóc, gieo hy vọng

Nuôi mái tóc dài suốt ba năm, đây là lần đầu tiên cô bé Trần Lê Phương Vy (13 tuổi, ngụ quận Bình Tân) quyết định tặng mái tóc của mình cho các bệnh nhân ung thư. “Nhà con cũng có người bị ung thư. Con rất thương các cô, các bạn bị bệnh nên mong muốn mái tóc của mình có thể góp một phần nhỏ, tạo nên những mái tóc xinh đẹp giúp người bệnh can đảm, tự tin chiến đấu với bệnh tật”- Vy nói.

Mặc dù rất thích để tóc dài, nhưng khi biết được ý nghĩa phần tóc cho đi là còn mãi, bé Nguyễn Thị Kiều Diễm (9 tuổi, học sinh lớp 4) đã xin mẹ đi hiến tóc. Chị Mai Trang (mẹ của Diễm) vô cùng bất ngờ trước quyết định của con gái. “Mấy lần tôi năn nỉ, dụ ngọt cắt tóc ngắn nhưng con nhất quyết không chịu, nói chỉ thích tóc dài. Vậy mà hôm nay, con dậy sớm gội đầu, sấy khô và chải rất nhiều lần cho suôn mượt rồi kêu tôi đưa đi hiến tóc. Tôi thấy vui vì con đã biết sống sẻ chia” - chị Trang bộc bạch.

Tại chương trình hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư vừa diễn ra mới đây tại TPHCM, chị Vũ Thùy Trang (26 tuổi, quê Long An) trải lòng, mái tóc rất quan trọng với con gái nên với những nữ bệnh nhân ung thư lại càng cần thiết hơn. Thế nên, khoảng 3 năm một lần, chị Trang lại cắt đi mái tóc của mình gửi tặng người bệnh. “Đây là lần thứ 2 mình tặng tóc. Mình còn khỏe mạnh, tóc cắt đi rồi sẽ tiếp tục mọc và dài thêm, còn nữ bệnh nhân ung thư thì không. Tôi hy vọng mái tóc mới sẽ giúp các bệnh nhân cảm thấy tự tin và có sức mạnh vượt qua khó khăn. Các chị, các em được thấy hình ảnh của mình - xinh đẹp và đầy sức sống với những nụ cười lạc quan” - chị Trang bày tỏ.

Bé Phương Vy hiến mái tóc đã nuôi suốt ba năm tặng bệnh nhân ung thư ảnh: U.P
Bé Phương Vy hiến mái tóc đã nuôi suốt ba năm tặng bệnh nhân ung thư ảnh: U.P

Mạng lưới ung thư vú Việt Nam là đơn vị tiếp nhận nguồn tóc hiến, sau đó gia công thành bộ tóc giả đưa vào thư viện tóc cung cấp miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, mất đi mái tóc do quá trình hoá trị. Khi kết thúc phác đồ hóa trị, mái tóc tự nhiên của bệnh nhân ung thư sẽ mọc lại. Bệnh nhân nếu không còn nhu cầu sử dụng tóc giả sẽ trả về cho Thư viện tóc để chương trình và các bệnh viện tiếp tục trao tặng cho những bệnh nhân khác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng số người được nhận hỗ trợ.

Nối nhịp sống, chở niềm tin

Chúng tôi có mặt tại khoa Hóa trị Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 8 giờ, đã thấy khá đông bệnh nhân đang vô hóa chất trên ghế truyền. Phòng máy lạnh mát rượi, không hề nghe mùi thuốc hay tiếng máy chạy rè rè, chỉ có âm nhạc du dương, dìu dặt mang lại cảm giác thư thái cho người bệnh. Trên cao, màn hình tivi LCD chiếu phim hoạt hình; quầy sách báo với những thông tin thời sự sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu. Ở đây có wifi miễn phí, mọi người có thể lướt web, chơi game…

Xe bánh, nước tự chọn miễn phí dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy ảnh: U.P
Xe bánh, nước tự chọn miễn phí dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy ảnh: U.P

Từ xa, chiếc xe bánh được các nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đẩy vào phòng bệnh. Bên trên đầy ăm ắp các loại bánh bơ, sữa tươi, nước lọc… được mang đến từng dãy ghế truyền để gửi tặng bệnh nhân. Trông các nhân viên như những cô tiếp viên hàng không trong trang phục xanh mát mắt, họ đến từng ghế truyền gửi bánh, sữa cho từng người bệnh. “Con gửi tặng cô, bác phần bánh sữa miễn phí ạ” - chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, nhân viên phục vụ nhẹ nhàng nói. Không chỉ phát bánh sữa, chị còn quan sát xem cô, bác nào cần gì sẽ hỗ trợ thêm.

Trên tay vẫn còn mang dây truyền, bà Võ Thị Trang (75 tuổi, quê Cần Thơ) vẫn vui vẻ pha trò: “Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế truyền hóa chất mà có cảm giác như đang ngồi ghế hạng thương gia của máy bay. Thật sự rất thoải mái khi được các y bác sĩ tận tâm chăm sóc không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Lúc đầu biết mắc bệnh cũng lo lắng nhưng sau những lần hóa trị, phản ứng với thuốc tốt giúp cơ thể khỏe lên nên tôi mừng lắm”.

Ở nơi giữa sự sống và cái chết, hai chữ “yêu thương” thể hiện rõ ở từng khu vực, từng khoa, từng mô hình mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang triển khai như Gian hàng yêu thương, Bếp yêu thương, Chủ nhật chia sẻ yêu thương... Tại Khoa Tuyến vú của Bệnh viện Chợ Rẫy, tầm 16 giờ ở khu sinh hoạt chung, bệnh nhân hay thân nhân có thể “chill” (thư giãn) trong ánh đèn màu lấp lánh. Họ tự chơi đàn ghi-ta, organ. Những quyển sách trong “Tủ sách ung thư - Hạt giống tâm hồn” được sắp xếp gọn gàng chờ người thưởng thức. Ở đây còn có tủ nón len, tóc giả, áo ngực dành cho người bệnh ung thư vú… Cứ hai tháng/lần, nơi đây còn có chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K”. Đây là dịp để các “chiến binh” hòa mình với âm nhạc, lắng nghe ca sĩ hát và được thể hiện lời ca tiếng hát của mình. Các “chiến binh” còn tham gia lớp thiền chữa lành giúp nâng cao sức khỏe, vững tinh thần.

Phải tạo điều kiện cho người bệnh được thoải mái, lạc quan về tinh thần để an tâm điều trị. “Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện vì người nghèo. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì những người nghèo nhất vẫn có thể hưởng những kỹ thuật y khoa hiện đại nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức khẳng định.

Khu nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân, gian hàng yêu thương mở cửa đón khách thường xuyên. Gian hàng khởi đầu từ những chia sẻ đồ cũ của nhân viên bệnh viện và lớn dần lan tỏa ra cộng đồng. Mỗi ngày, gian hàng trao tặng cả trăm chiếc quần, áo, túi xách... đến người cần. “Có bao nhiêu tiền đều dành cho con vô thuốc, may mắn ở bệnh viện có nơi ăn ở miễn phí, quần áo cũng tặng cho người cần nên tôi đỡ lo lắng nhiều lắm” - bà Hương (quê Bình Định) nói.

“Với các bệnh nhân ung thư, hoạt động nâng đỡ tinh thần là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều người dân quan niệm mắc ung thư như “án tử”, nghe đến bệnh ung thư là sợ. Người bệnh ung thư không dễ chấp nhận, họ dễ dao động nên mình phải đồng hành cùng họ. Thời gian qua, Phòng Công tác xã hội luôn cố gắng làm sao để nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân tốt nhất, giúp họ lạc quan, tin tưởng vào phác đồ điều trị, vượt qua được căn bệnh này” - Ths Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Tất cả hoạt động của Phòng Công tác xã hội luôn vì người bệnh, mong sẻ chia bớt những khó khăn, vất vả, “nối nhịp sống, chở niềm tin” để người bệnh không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Theo TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ly nước, chiếc bánh gửi đến người bệnh đều chứa đựng tình cảm của tập thể nhân viên bệnh viện.

Theo Uyên Phương (TPO)

Có thể bạn quan tâm