Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Khoảng trống trong dạy kỹ năng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đang soạn bài giảng kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên khóa mới của trường. Đặc thù Gia Lai là tỉnh miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nên việc giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh còn hạn chế, nhiều khi chưa được quan tâm kịp thời. 
Đầu năm học, qua khảo sát, có 87% trong tổng số các em học sinh, sinh viên của trường trả lời không biết kỹ năng sống là gì hoặc chỉ mới nghe qua. Qua những lần kiểm tra ký túc xá, chúng tôi nhận thấy, một số em còn ăn ở chưa hợp vệ sinh; khi gặp thầy-cô giáo, nhân viên nhà trường, nhiều em chỉ cúi mặt lặng lẽ đi mà không dám chào hỏi. Tìm hiểu nguyên nhân thì biết, các em ít có sự giao tiếp với thầy-cô giáo là do thiếu tự tin, rụt rè, e ngại. Các em cũng chưa được dạy những kỹ năng cơ bản đó. Và người được nhắc nhở về việc này không phải các em mà là chúng tôi-những giáo viên đứng lớp.
Chúng tôi bắt đầu dạy từ kỹ năng giao tiếp, dạy về giá trị bản thân, cách quản trị thời gian, chi tiêu hợp lý và dạy cả cách các em xây dựng hình ảnh cá nhân trên trang cá nhân, mạng xã hội. Hình thức dạy là tâm tình, chia sẻ thông qua vận động, trò chơi. Người dạy kỹ năng sống là giáo viên tâm lý, công tác xã hội, mời chuyên gia của các trung tâm bên ngoài để truyền cảm hứng. Ngoài ra, mỗi giáo viên trong quá trình lên lớp cần truyền cho học sinh, sinh viên sự yêu nghề, cảm hứng với nghề nghiệp, tự tin với bản thân và nghề mình đã chọn.
Còn nhớ, có trường hợp sinh viên lớp tôi dạy, khi đi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng đã trả lời: “Tôi lướt qua trang cá nhân trên mạng xã hội của em, thấy em chỉ chia sẻ những điều tiêu cực. Vì vậy, chúng tôi xin lỗi, em đã không trúng tuyển”. Từ bài học thực tế này, trong quá trình lên lớp, cùng với kiến thức, chúng tôi còn chỉ dạy cho học sinh, sinh viên những gì mình biết, những gì mà chúng tôi nghĩ rằng cần thiết giúp các em có một hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào đời. Thì chẳng phải, về mục tiêu của việc học, UNESCO đã đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để sống chung với người khác và học để khẳng định bản thân”.
Một tiết học kỹ năng sống của sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Với sự phát triển của xã hội, trí tuệ cảm xúc (EQ) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Chính vì vậy, các trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên như nấm sau mưa, sách về kỹ năng sống cũng được bán hầu khắp trên thị trường. Và đó là nguồn tri thức quý giá để mỗi người có thể khai thác, biến nó trở thành cái hữu dụng với bản thân, ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, ai cũng có cơ hội tiếp cận và ứng dụng hiệu quả.
Kỹ năng sống được hình thành qua quá trình sống, trải nghiệm. Trong quá trình làm việc, tôi chứng kiến khá nhiều người, dù được học hành bài bản, có vị trí nhưng cách cư xử đây đó vẫn thể hiện sự thiếu kỹ năng. Chính vì vậy, việc học kỹ năng sống cần được tạo lập thường xuyên, thành thói quen để phù hợp với chuẩn mực chung và ngữ cảnh giao tiếp và mục đích cuối cùng là đạt hiệu quả công việc. Để làm được điều đó thì chính gia đình, nhà trường và những người lớn cần trao cơ hội cho trẻ, dạy cho trẻ, tôn trọng trẻ để trẻ được thừa nhận, được khẳng định, tự tin hội nhập và nắm bắt cơ hội phát triển.
TẠ NGỌC ĐIỆP
 

Có thể bạn quan tâm