(GLO)- Phải khẳng định, thị trường nội địa Việt Nam có sức tiêu thụ mạnh và càng ngày càng biết đòi hỏi về chất lượng. Những sản phẩm như hàng may mặc, giày dép sản xuất trong nước và bán ở thị trường nội địa ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam chọn lựa. Trên lĩnh vực này, hàng Việt đã vượt qua hàng Trung Quốc và ngang ngửa, thậm chí trội hơn hàng Thái Lan. Đó là bước tiến lớn của hàng Việt. Chuyện người Việt chọn mua hàng Việt bây giờ không chỉ đơn thuần vì lòng yêu nước mà vì chính chất lượng hàng Việt đã có những vượt trội, thu hút và phần nào thỏa mãn thị hiếu người tiêu dùng.
Nhưng ở lĩnh vực thực phẩm, hàng Việt đang chịu lép ở những phân khúc cao và trung cao, chỉ phát triển ở phân khúc thấp. Phân khúc thấp thì bao giờ cũng phải chịu nhiều rủi ro, nhiều biến động và người sản xuất luôn phải chịu thiệt thòi. Chuyện hàng năm xảy ra những vụ “giải cứu” phản ánh độ rủi ro này ở những mặt hàng nông nghiệp phân khúc thấp.
Ảnh nguồn internet |
Để có được những sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, sạch sẽ một cách minh bạch thì yêu cầu truy nguồn gốc xuất hàng hóa là điều tiên quyết. Đó là cách tốt nhất tạo uy tín cho hàng thực phẩm nông nghiệp Việt để người tiêu dùng trong nước tin cậy và chọn mua. Bây giờ đã có nhiều vùng miền làm nông nghiệp sạch, tuy chưa thật phổ biến nhưng số lượng ngày càng tăng. Nhưng muốn dán nhãn truy xuất lên sản phẩm để người tiêu dùng tin cậy thì truy xuất phải thực sự minh bạch. Và để có được điều đó, người sản xuất ứng dụng truy xuất cũng phải minh bạch. Bởi lẽ, công nghệ do con người tạo ra nên con người muốn làm gian dối cũng sẽ có công nghệ làm vậy, con người muốn làm thật công nghệ sẽ giúp để làm thật. Yêu cầu trung thực trong truy xuất và dán nhãn truy xuất là điều tiên quyết, vì nếu không, một khi phát hiện ra những gian dối, người tiêu dùng sẽ bất tín và ngoảnh mặt với những sản phẩm thực phẩm và nông nghiệp nội địa.
Tạo niềm tin rất khó nhưng để mất niềm tin lại rất dễ, là vậy.
Một khi người sản xuất đã có được những sản phẩm tốt, có truy xuất nguồn gốc đàng hoàng thì khâu phân phối lại hết sức quan trọng. Bây giờ không còn “ngăn sông cấm chợ” nhưng giá cả lưu thông tăng vọt lại ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành hàng hóa và sức cạnh tranh bị giảm sút đáng lo ngại do sự “đội giá” này. Với hàng thực phẩm nông nghiệp tươi sống, yếu tố bảo quản cũng hết sức quan trọng. Hệ thống phân phối càng chuyên nghiệp, càng hiện đại bao nhiêu thì chất lượng sản phẩm càng được nâng cao khi đến tay người tiêu dùng bấy nhiêu. Thị trường Việt Nam đang rất cần những nhà phân phối chuyên nghiệp và có thực lực, cần sự gắn kết giữa những nhà phân phối và đông đảo người sản xuất. Nhiều khi người sản xuất có được sản phẩm tốt nhưng họ không có khả năng tiếp thị và bán hàng thì sản phẩm cũng rất khó tiêu thụ với đúng mức giá của nó.
Thị trường nội địa vì vậy vẫn còn nhiều khoảng trống, mà nếu những nhà kinh doanh phân phối trong nước không tổ chức được những hệ thống phân phối của mình thì chắc chắn lĩnh vực này sẽ rơi vào tay những nhà phân phối chuyên nghiệp nước ngoài. Ai cũng biết, những nhà phân phối giỏi thì giàu nhanh hơn cả người trực tiếp sản xuất. Đó cũng là quy luật thị trường mà người sản xuất phải chấp nhận. Nhưng nếu có nhiều nhà phân phối chuyên nghiệp giỏi thì sản phẩm của người sản xuất sẽ bảo đảm được đầu ra ổn định. Đó là điều kiện để sản xuất phát triển.
Thị trường như nước chảy chỗ trũng, vì thế rất cần lưu thông và phân phối để hàng hóa như mặt nước được trải đều khắp, tránh tình trạng nơi khô hạn, nơi ngập nước bốn mùa.
Thanh Thảo