Giáo dục

Tin tức

Khoe điểm con trên mạng: Những nguy hại khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi các bác sĩ tâm thần đã phải chính thức vào cuộc, cảnh báo khá gay gắt về chuyện khoe điểm con trên mạng sẽ dẫn tới những nguy hại như thế nào, thì chuyện này đã thành chuyện 'bệnh lý' mất rồi.

Con em chúng ta là người nhận hậu quả

“Bệnh lý” khoe điểm con trên mạng thuộc về phụ huynh, cha mẹ học sinh nhưng người phải nhận hậu quả nhiều khi rất nguy hiểm này lại hoàn toàn thuộc về con em đang là học sinh.

 

 

 Các chuyên gia khuyến cáo không nên khoe thành tích của con lên mạng. Ảnh: T.HẰNG
Các chuyên gia khuyến cáo không nên khoe thành tích của con lên mạng. Ảnh: T.HẰNG



Những biểu hiện trầm cảm sau thời gian khá dài bị stress vì cha mẹ quá quan tâm đến điểm học, điểm thi của con mình là chuyện có thật và đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Cha mẹ tuy không học cùng con hay đi thi cùng con, nhưng lại, hoặc là vui mừng quá đáng vì con mình đạt điểm thi cao, hoặc là vô cùng đau khổ và tức giận vì con mình đạt điểm thi không như mong muốn, phá hỏng những kế hoạch, những dự kiến tưởng tượng của mình về bước đường tương lai của con.

Cha mẹ nuôi con, lẽ ra trước hết nên dạy con những điều tốt đẹp, lễ nghĩa, tử tế trong cuộc sống, biết quan tâm và giúp đỡ người khác, giúp người nghèo khổ hay yếu thế. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm nhiều nhất tới kết quả bằng điểm số của con mình, sẵn sàng tự hào hay xấu hổ về điểm thi của con mình, thì ngay từ đầu, đã đưa con mình vào những lựa chọn ích kỷ hay vị kỷ trong cuộc sống, thúc đẩy con mình phải “vươn lên bằng bất cứ giá nào” để sau này có thể kiếm được những vị trí công tác “việc nhẹ mà lương cao” chẳng hạn.

Ngay khi lần đầu nghe cụm từ “việc nhẹ, lương cao” này tôi đã vô cùng ngạc nhiên: làm sao lại có chuyện kỳ quặc như thế nhỉ ? Đã "việc nhẹ" thì làm sao “lương cao” cho được ? Ấy vậy mà đó lại thuộc về “tiêu chí phấn đấu” của một số cha mẹ mong muốn con em mình đạt được. Còn chuyện được học bổng đi học nước ngoài, trở thành “công dân toàn cầu” có thể nằm trong ước mơ thầm kín của các bậc phụ huynh. Nhưng nếu công khai nó ra, đặt “gánh nặng mơ ước kinh khủng” ấy vào những đôi vai mảnh khảnh của con mình khi chúng chưa đủ lớn để biết những ước mơ ấy là gì thì quả thật vô cùng nguy hại.

Cha mẹ không muốn chọn cho con mình con đường sai hay đưa con mình vào bế tắc, nhưng khi “yêu con quá” bằng cách bắt con phải đạt những điểm số mà con chưa thể đạt được, thì chính mình đang hại con mình đấy.


 

 Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực học hành, cần được bố mẹ truyền động lực học tập. Ảnh: Đ.N.T
Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực học hành, cần được bố mẹ truyền động lực học tập. Ảnh: Đ.N.T


Chúng ta nên chọn con đường nào ?

Trong cuộc đời có rất nhiều con đường thành đạt, trong đó “Tự nâng mình tỏa mình như bóng mát/ Cũng là một con đường”. Sống tử tế, biết thương yêu và chia sẻ với mọi người không bao giờ làm con mình thấp đi, ngược lại, nó khiến con mình hạnh phúc. Mà con mình hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất đối với các bậc cha mẹ. Nếu con mình khi ra đời là người “thành đạt” nhưng không có hạnh phúc, do cha mẹ dồn hết áp lực và “tâm huyết” để con mình đạt mong ước như thế của mình, có khi, đứa con lại oán cha mẹ mình khi nó không được sống hồn nhiên và hạnh phúc.




"Chỉ mong con tôi sống là người tử tế và có ích"

Khi tôi viết bài ủng hộ Báo Thanh Niên phối hợp rất đẹp, rất nhân ái với tập đoàn LG Vietnam tổ chức chương trình tôn vinh những tấm gương xả thân cứu người, sống tử tế trong cuộc đời, lấy tiêu chí “ Sống đẹp cuộc sống” làm tiêu chí “hành đạo’ của mình, tôi đã nhận được một “comment” ủng hộ giản dị như thế này: “Tôi chỉ mong con tôi sống là người tử tế và có ích” Tôi đã hết sức cảm động khi đọc lời tâm nguyện này của một bậc phụ huynh. Nếu trong xã hội ta, càng nhiều người nghĩ như vậy, thì xã hội sẽ phát triển một cách vững chắc, văn mình một cách thực sự, vì sự văn minh ấy đi cùng với lòng nhân ái, là sự văn minh thực chất và luôn đáng ngưỡng mộ.

Theo Thanh Thảo (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm