Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Khởi công Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án Xây dựng Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang được xác định là Dự án Trọng điểm Quốc gia và của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối nội vùng và liên vùng.
Các lãnh đạo bấm nút khởi công Tuyến Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) trên địa phận tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Các lãnh đạo bấm nút khởi công Tuyến Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) trên địa phận tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sáng 21/10, Lễ Khởi công Dự án Xây dựng Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), địa phận tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra tại Tuyên Quang.

Dự buổi lễ có các Bí thư Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều Dự án Giao thông Trọng điểm, Quan trọng Quốc gia có tính liên vùng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các vùng, miền, các trung tâm kinh tế, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, là đầu mối giao thông quan trọng, góp phần đảm bảo quốc phòng-an ninh, mở rộng các không gian phát triển kinh tế-xã hội cho mỗi địa phương, mỗi vùng và cho cả đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của vùng, miền, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới và đặc biệt là giảm chi phí logistics.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình Danh mục các dự án và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn rất lớn để triển khai thực hiện. Đến nay, chúng ta đã đưa vào khai thác 1.822km đường bộ cao tốc trên cả nước. Trong 9 tháng năm 2023, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km; phấn đấu khởi công thêm 5 dự án vào cuối năm 2023.

Nhiều dự án xây dựng đường cao tốc lớn đang đồng loạt được triển khai trên cả nước. Cùng với 1.822km đã đưa vào khai thác, đến năm 2025 phấn đấu cả nước có thể đạt hơn 3.000km theo mục tiêu Nghị quyết XIII của Đảng; tạo được hiệu ứng lớn trong xã hội, sự tin tưởng và phấn khởi của nhân dân đối với các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ Dự án Xây dựng Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang được xác định là Dự án Trọng điểm Quốc gia và của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối nội vùng và liên vùng, hình thành hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng tới các tỉnh miền núi phía Bắc, theo Cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang.

Với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Tuyên Quang-Hà Giang mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát động Lễ Khởi công Xây dựng Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát động Lễ Khởi công Xây dựng Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc khởi công dự án hôm nay mới là kết quả bước đầu, công việc phía trước còn rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng ở các vị trí còn lại, nhất là vị trí khu đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời, phải chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trong việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng...

Để sớm thi công đồng bộ toàn bộ dự án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cần nỗ lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý Dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực miền núi phía Bắc nói chung và của 2 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng.

Tuyến đường cao tốc xây dựng hoàn thành sẽ trở thành trục giao thông kết nối nhanh, thuận lợi, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng từ Thủ đô Hà Nội, qua tỉnh Tuyên Quang đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang.

Tuyến Đường Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) với chiều dài 104,5km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 77km, địa phận tỉnh Hà Giang 27,5km), được phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản Dự án đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Tổng mức đầu tư của dự án 6.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 4.497,17 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 2.302,83 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm