Khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ các di tích lịch sử, văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ tạo sân chơi bổ ích dịp hè, cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích, công trình văn hóa trọng điểm quốc gia, địa phương” do Thị Đoàn Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi đoàn viên, thanh niên địa phương.

Được phát động từ giữa tháng 5-2024, cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích lịch sử, công trình văn hóa trọng điểm quốc gia, địa phương” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên. Sau 2 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 13 sản phẩm của các tổ chức cơ sở Đoàn trực thuộc. Video clip của các đội thuyết trình về sản phẩm được đăng tải và kêu gọi bình chọn trên Fanpage “Tuổi trẻ Ayun Pa”.

Trên cơ sở đó, Ban tổ chức chọn 8 sản phẩm vào vòng chung khảo. Trong vòng chung khảo, các đội đã thuyết trình về mô hình của đội mình và trả lời câu hỏi phụ từ Ban giám khảo. Với sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo, các đội mang đến cuộc thi nhiều mô hình đẹp mắt, ý nghĩa cùng những bài thuyết trình ấn tượng, thể hiện sự am hiểu về lịch sử, văn hóa và lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đoàn trường THPT Lê Thánh Tông đạt giải ba cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích, công trình văn hóa trọng điểm quốc gia, địa phương” với mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa Khu mộ nhà giáo Nay Der”. Ảnh: V.C

Đoàn trường THPT Lê Thánh Tông đạt giải ba cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích, công trình văn hóa trọng điểm quốc gia, địa phương” với mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa Khu mộ nhà giáo Nay Der”. Ảnh: V.C

Với mô hình “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Chi Đoàn Công an thị xã Ayun Pa đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi. Đây cũng là mô hình nhận được nhiều lượt bình chọn nhất trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Chất-Bí thư Chi Đoàn Công an thị xã-cho biết: Mô hình “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” được thiết kế với kích thước 50x40x30 cm, gồm 3 phần: phần dưới kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài; phần giữa là trung tâm của Lăng; còn phía trên là phần mái tạo hình cách điệu bông sen nở. Mặt chính của Lăng có dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

“Sau 3 ngày miệt mài làm việc, 5 thành viên của Chi Đoàn đã hoàn thành mô hình từ hàng ngàn que tre nhỏ được cắt gọt, lắp ghép kỹ lưỡng, đảm bảo giữ nguyên hình dáng, kiến trúc của Lăng.

Nhìn tổng thể, mô hình mang gam màu chủ đạo nâu tự nhiên của tre, là loài cây tượng trưng cho sự dẻo dai, phẩm chất anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Qua mô hình, Chi Đoàn thể hiện sự biết ơn và lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ-vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam”-anh Chất chia sẻ.

Cũng để thể hiện niềm tôn kính vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn xã Ia Sao đã thiết kế mô hình “Nhà sàn Bác Hồ”. Với sự đầu tư công phu, mô hình đạt giải nhì cuộc thi và bài thuyết trình đạt giải thưởng phụ dành cho bài thuyết trình hay nhất.

Chị Nay H’Hiêng-Phó Bí thư Đoàn xã-cho hay: Nhà sàn Bác Hồ là một phần quan trọng trong quần thể Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Được hoàn thành năm 1958, suốt 66 năm qua, ngôi nhà sàn đơn sơ này đã trở thành hình ảnh thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam.

Xuất phát từ ý nghĩa cao đẹp đó, Đoàn xã chọn di tích này để thực hiện mô hình. Nguyên liệu chính làm mô hình là tre, đất nặn, giấy nhún, kẽm nhung, bìa carton và nến.

“Đây là công trình mang đậm bản sắc truyền thống và rất gần gũi với thiên nhiên, thể hiện qua khu vườn, ao cá luôn rợp bóng cây xanh. Hy vọng mô hình giúp các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về tư tưởng, đạo đức và phong cách sống giản dị, thanh cao của Người”-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Sao bày tỏ.

Mô hình Nhà sàn Bác Hồ của Đoàn xã Ia Sao đạt giải nhì tại cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích, công trình văn hóa trọng điểm quốc. Ảnh: Vũ Chi

Mô hình Nhà sàn Bác Hồ của Đoàn xã Ia Sao đạt giải nhì tại cuộc thi “Thiết kế mô hình giới thiệu về di tích, công trình văn hóa trọng điểm quốc. Ảnh: Vũ Chi

Bên cạnh các mô hình lấy ý tưởng từ những di tích lịch sử trên khắp mọi miền đất nước, nhiều tổ chức cơ sở Đoàn đã sử dụng chính công trình di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương để mô phỏng. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa Khu mộ nhà giáo Nay Der” của Đoàn trường THPT Lê Thánh Tông; mô hình “Nhà sàn Tây Nguyên” của Đoàn xã Ia Rbol, phường Sông Bờ. Mỗi mô hình là một câu chuyện về lịch sử, văn hóa khơi dậy trong thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Trao đổi với P.V, chị Nguyễn Thị Như-Phó Bí thư Thị Đoàn Ayun Pa-khẳng định: Các mô hình đều được đầu tư công phu, thể hiện tâm huyết của các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã. Ban tổ chức đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: tính lịch sử, văn hóa, ý nghĩa; tính thẩm mỹ, màu sắc, đường nét, bố cục, tính biểu tượng, sự độc đáo, ấn tượng, dễ ghi nhớ; mức độ đầu tư của sản phẩm.

Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên mà còn góp phần đổi mới hình thức hoạt động của các tổ chức cơ sở Đoàn, nhất là trên không gian mạng; từ đó bồi đắp lý tưởng cách mạng, ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di tích cũng như góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Có thể bạn quan tâm