Bạn đọc

Khơi gợi khả năng tiềm ẩn của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được đưa vào giảng dạy ở các trường tiểu học trong toàn tỉnh từ học kỳ II năm học 2015-2016, phương pháp dạy học mỹ thuật mới của Đan Mạch đã cho thấy những ưu điểm nổi bật so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, một số nội dung được xem là thuận lợi của vùng này lại là vấn đề khó khăn ở vùng khác.

Những ưu việt của phương pháp mới

Cô Lê Thị Trà-giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) cho biết: “Lần đầu tiên được làm quen với cách vẽ theo âm nhạc (sáng tạo tác phẩm từ trí tưởng tượng sau khi cảm thụ giai điệu âm nhạc), vẽ biểu cảm, vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện, tạo hình 3D (tạo hình từ vật tìm được), tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn… ngay cả những học sinh nhút nhát cũng bị lôi cuốn vào các hoạt động của môn học. Các em được chia nhóm để làm việc theo chủ đề. Cách học này giúp các em không chỉ phát triển khả năng mỹ thuật, tư duy trừu tượng mà còn giúp các em có những trải nghiệm trong cách làm việc nhóm, giúp đỡ bạn bè, các em được nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình”.

 

Giáo viên Mỹ thuật cấp tiểu học toàn tỉnh vừa được tập huấn dạy-học theo phương pháp mới trước khi bước vào năm học mới 2016-2017. Ảnh: H.N
Giáo viên Mỹ thuật cấp tiểu học toàn tỉnh vừa được tập huấn dạy-học theo phương pháp mới trước khi bước vào năm học mới 2016-2017. Ảnh: H.N

Đối với một trường ở vùng khó khăn của huyện Kbang, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm số đông, phương pháp dạy học mỹ thuật mới đã chứng tỏ những ưu điểm vượt trội trong phát hiện những học sinh có năng khiếu đặc biệt. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trung-giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Lơ Ku (huyện Kbang) cho biết: “Học sinh dân tộc thiểu số có năng khiếu mỹ thuật vượt trội hơn hẳn so với các em học sinh người Kinh. Các em cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống một cách chân thực, rất giàu chất thơ và sự lãng mạn. Nhiều tác phẩm khiến tôi rất ngạc nhiên vì nó vô cùng sống động. Tuy nhiên, nhiều em thích vẽ, có năng khiếu nhưng giáo viên chưa biết cách khai thác khả năng tiềm ẩn này vì theo cách dạy truyền thống, ít có sự tương tác và cơ hội để các em bộc lộ. Phương pháp dạy học mỹ thuật mới đã giúp khắc phục được điều này, em nào có thế mạnh gì đều bộc lộ qua giờ học”.

Thầy Trung cho biết thêm, Trường Tiểu học Lơ Ku có 346/382 học sinh dân tộc thiểu số, việc dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới đã giúp các em nâng cao khả năng tư duy trừu tượng để phát triển các môn học khác, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ. Học tiếng Việt có khi các em học trước quên sau nhưng đưa một bức tranh, hoặc sau khi làm việc theo nhóm để hoàn thiện sản phẩm, rồi lên thuyết trình lại giúp các em nhớ tiếng Việt rất lâu.

 

Phương pháp dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch là sự đúc kết những kinh nghiệm quý báu từ Vương quốc Đan Mạch và các nền giáo dục nghệ thuật tiên tiến trên thế giới. Những quy trình mỹ thuật theo phương pháp mới này đều hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Trên cơ sở đó, các em có thể hình thành và phát triển ba năng lực cốt lõi là: sáng tạo mỹ thuật và qua đó biểu đạt bản thân; hiểu, cảm nhận và phản ánh được hình ảnh của sản phẩm/tác phẩm mỹ thuật; giao tiếp, trao đổi, tiếp nhận ý tưởng và ý nghĩ thông qua sản phẩm hoặc tác phẩm mỹ thuật.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhung-chuyên gia dự án hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học (SAEPS) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ cho hay: “Phương pháp dạy học này tuy mới đưa vào dạy thử nghiệm tại các trường tiểu học ở một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trên cả nước nhưng đã chứng tỏ tính ưu việt và phù hợp với nhu cầu đổi mới phương pháp dạy-học mỹ thuật cấp tiểu học. Việc phân nhóm học sinh nhằm khuyến khích thế mạnh của từng em. Có em rất giỏi bố cục, có em lại rất nhiều ý tưởng, em không có khả năng vẽ sẽ hỗ trợ bạn trong chọn màu… Như vậy, hoạt động nhóm sẽ khai thác được những khả năng khác nhau của học sinh. Đây chính là phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho các em đã được nhiều quốc gia áp dụng khá thành công”.

Vài trở ngại ở vùng khó

Sau một thời gian đưa vào dạy thử nghiệm, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã tổ chức ngày hội Mỹ thuật sáng tạo tác phẩm theo phương pháp mới đối với học sinh toàn trường, trong đó có trưng bày những tác phẩm mà học sinh đã sáng tạo trong quá trình học tập. Cô Lê Thị Trà cho biết: “Nhiều phụ huynh rất ngạc nhiên trước tác phẩm của con họ, đồng thời giúp họ hiểu được những dụng cụ, vật liệu mà họ thường phải chuẩn bị cho con cái mang tới lớp được sử dụng như thế nào, từ đó quan tâm hơn đến bộ môn này. Ngoài ra, giáo viên mỹ thuật được nhà trường tạo điều kiện để dạy, học trong phòng riêng, đảm bảo cơ sở vật chất và không gây ảnh hưởng tới lớp khác. Đây cũng là yếu tố rất thuận lợi đối với một trường ở thành phố. Đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận đúng vai trò của bộ môn này đối với sự phát triển của học sinh, bởi nó định hướng văn hóa thẩm mỹ cho cả một thế hệ”.

Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi nêu trên lại là trở ngại đối với những trường vùng khó khăn. Việc dạy, học theo phương pháp mới này cần phải có phòng riêng nhưng đa số các trường tiểu học ở vùng khó lại chưa đáp ứng được điều kiện này. Trong khi đó, việc phân nhóm học sinh để các em tự do sáng tạo, thảo luận hoặc phải nghe nhạc để sáng tạo tác phẩm khiến không khí tiết học vô cùng sôi nổi, ồn ào, ảnh hưởng trực tiếp đến giờ học của các lớp khác. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của đa số các gia đình còn nghèo nên việc chuẩn bị dụng cụ, vật liệu vẽ cho con cái mang tới lớp không được thực hiện đầy đủ, giáo viên mỹ thuật hầu như phải xoay xở trong điều kiện cho phép để hoàn thành tiết học. Thầy Nguyễn Ngọc Trung đề xuất: “Các trường nên tạo điều kiện để giáo viên mỹ thuật được linh động thời khóa biểu vì những lý do như: hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các lớp khác, tốt hơn cho việc bảo quản sản phẩm và giúp học sinh nhớ bài học lâu hơn. Với việc phân thời khóa biểu như trong thời gian dạy thử nghiệm vừa qua không hợp lý với cách dạy học theo phương pháp mới. Đặc biệt, cần có phòng riêng để các em học và thực hành vẽ, trưng bày sản phẩm. Nếu không, phương pháp này sẽ khó phát huy tối đa hiệu quả ở những vùng khó khăn”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm