Kinh tế

Giá cả thị trường

Khởi nghiệp... tuổi 50

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Quyết định khởi nghiệp khi đã gần 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Cúc (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Nhưng sau thời gian ngắn, sản phẩm mang thương hiệu Mười Hiệp của bà được người tiêu dùng đón nhận.



Trong lúc chờ máy ép những giọt dầu cuối cùng, bà Cúc chia sẻ lý do đầu tư hệ thống máy móc để xây dựng thương hiệu dầu ép đậu phộng. Trước đây, cứ vài tháng, gia đình bà phải nhờ người thân ở tỉnh Quảng Ngãi ép dầu, gửi lên để dùng dần. Mấy năm nay, gia đình bà tận dụng diện tích đất trống quanh vườn cà phê để trồng đậu, sau khi thu hoạch, phơi khô phải chở xuống tận xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) để ép lấy dầu.

Thấy nhiều gia đình trong thôn trồng đậu và có nhu cầu tương tự, năm 2019, bà đầu tư cơ sở ép dầu phộng. Bà Cúc cho biết: “Lúc đầu, gia đình chỉ dự định mua máy ép tay thôi. Tuy nhiên, máy ép tay cho chất lượng dầu không như ý. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy ép thủy lực, công suất tối đa cho mỗi lần ép khoảng 3 tạ đậu phộng”. Theo bà Cúc, bình quân cứ 2-3 kg đậu phộng sẽ cho ra 1 lít dầu nguyên chất.  

Bà Cúc (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đang chiết dầu sau khi ép vào từng chiếc can. Ảnh: Anh Huy
Bà Nguyễn Thị Cúc (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) rót dầu sau khi ép vào từng chiếc can. Ảnh: Anh Huy


Về các công đoạn trong quy trình ép dầu, bà Cúc cho rằng khâu nào cũng quan trọng nhưng để dầu đạt chất lượng và dùng được lâu, trước hết đậu phải phơi thật khô. Đậu sau khi cho vào máy bóc tách vỏ sẽ đem xay thành bột. Sau đó đem bột hấp chín khoảng 2 giờ đồng hồ. Chờ khi bột đậu nguội mới ép thành các bánh và đưa vào buồng ép thủy lực cho ra dầu. Lý giải vì sao không dùng máy ép nóng để giảm bớt công đoạn so với máy ép thủy lực, ông Võ Văn Ảnh (chồng bà Cúc) cho hay: “Máy ép nóng, chỉ cần đổ đậu phộng vào là chờ lấy dầu. Song máy này cần lượng nhiệt rất lớn, chất lượng dầu thành phẩm không ngon, mùi không thơm như ép lạnh. Do đó dùng máy ép thủy lực là tốt nhất”.

Sau hơn 1 năm khởi nghiệp, ngoài ép dầu thuê với giá 3 ngàn đồng/kg, bà Cúc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm dầu đậu phộng Mười Hiệp. Đồng thời, bà tiêu thụ nguyên liệu cho người dân trong vùng. Hiện tại, mỗi lít dầu đậu phộng nguyên chất được bà bán tại cơ sở với giá 100 ngàn đồng. “So với các loại dầu thực vật đang bán trên thị trường thì dầu đậu phộng có giá cao hơn. Tuy nhiên, đây là dầu nguyên chất, rất tốt cho sức khỏe. Tôi đang làm thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, hy vọng khi đã có chứng nhận thì được nhiều người biết và tin dùng”-bà Cúc bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Cúc (bìa trái; thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) giới thiệu sản phẩm bột ngũ cốc, bột bánh xèo và dầu phộng. Ảnh: Anh Huy
Bà Nguyễn Thị Cúc (bìa trái; thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) giới thiệu sản phẩm bột ngũ cốc, bột bánh xèo và dầu phộng. Ảnh: Anh Huy


Ngoài ép dầu, năm 2020, bà Cúc đầu tư thêm máy xay để sản xuất bột ngũ cốc và bột bánh xèo mang thương hiệu Mười Hiệp. “Bột ngũ cốc gồm 13 loại hạt trộn lại. Chủ yếu nguyên liệu do nhà trồng xen trong vườn cà phê nên rất an toàn. Các loại hạt rửa sạch, sau đó phơi khô và rang bằng bếp củi”-bà Cúc chia sẻ. Mỗi tháng, bà xuất bán khoảng 20 kg bột, trong đó, bột bánh xèo có giá 35 ngàn đồng/kg, bột ngũ cốc 150 ngàn đồng/kg. Được thị trường đón nhận nên bà Cúc có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới. Ngoài sản xuất nông nghiệp, hướng khởi nghiệp này cũng mang về cho gia đình bà mỗi tháng gần chục triệu đồng.

Trao đổi về các sản phẩm khởi nghiệp từ nông nghiệp của hội viên phụ nữ trên địa bàn, bà Vũ Thị Thắm-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Phú Hòa-thông tin: Ngoài ép dầu đậu phộng, trên địa bàn còn có tổ liên kết sản xuất dược liệu, trồng măng tây và nuôi heo. Để có các mô hình này, Hội hướng dẫn, động viên chị em làm dự án khởi nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức. Bên cạnh đó, Hội còn giới thiệu qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. “Hội hướng dẫn gia đình chị Cúc làm giấy phép đăng ký kinh doanh và cả 3 sản phẩm: dầu đậu phộng, bột bánh xèo, bột ngũ cốc đều được chứng nhận an toàn thực phẩm. Trước mắt, Hội tiếp tục hướng dẫn gia đình quy trình thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP với sản phẩm dầu đậu phộng nguyên chất. Sản phẩm khi đã có thị trường ổn định sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho hội viên và góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn”-bà Thắm nhấn mạnh.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm