Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Khơi nguồn lực xã hội cho hoạt động văn học nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội thảo khoa học 'Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở VN từ khi ban hành chủ trương đến nay' được Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, thu hút 80 báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu, đơn vị văn hóa ở cả T.Ư và địa phương.

Phim 'Gái già lắm chiêu 2'. Việc phát hành phim VN đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp chiếu bóng nước ngoài
Phim 'Gái già lắm chiêu 2'. Việc phát hành phim VN đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp chiếu bóng nước ngoài



Theo NSND Đặng Nhật Minh, có thể nói điện ảnh VN đã được xã hội hóa 100%. Theo số liệu tại hội thảo, doanh thu chiếu bóng trong nước hiện khoảng 3.200 tỉ đồng, trong đó 25% thuộc về phim Việt. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài nắm thị phần lớn trong hệ thống phân phối và trình chiếu. Như CGV sở hữu 52 cụm rạp trên toàn quốc, nắm giữ 20% thị phần. Mỗi năm có khoảng 200 - 300 phim nhập và không có hạn ngạch.

Hội thảo cũng đề cập hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài chèn ép doanh nghiệp trong nước về tỷ lệ phát hành. Việc không vào được rạp CGV có nghĩa là bộ phim có thể mất 40% doanh thu. “Nếu không có biện pháp bảo vệ, nguy cơ điện ảnh VN có thể sẽ chỉ là thị trường tiêu thụ của các nền công nghiệp điện ảnh lớn trên thế giới”, TS Trần Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư nhận định.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long nêu việc sau xã hội hóa, game show trỗi lên “nhấn chìm” phim truyền hình. Việc xem quá nhiều game show giải trí khiến việc tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật giảm hẳn.

Sân khấu nhìn chung còn ảm đạm. Theo NSND Lê Tiến Thọ, nhiều đơn vị mời nghệ sĩ trẻ cộng tác với mức lương chỉ 1 triệu đồng/tháng. Có tỉnh, đơn vị nghệ thuật sáp nhập với trung tâm văn hóa. Vì thế, nghệ sĩ phải diễn đủ các thể loại để có doanh thu nuôi bộ máy cồng kềnh, nhiều nghệ sĩ không sống được bằng nghề.

Khơi nguồn lực

Xã hội hóa là làm sao khơi được nguồn lực trong xã hội để văn học, nghệ thuật phát triển để người dân hưởng thụ cao hơn. Chủ trương này của Đảng, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ban hành vào năm 1997 là “một luồng gió mới”. Vấn đề là phải vận hành sao cho đạt mục tiêu đó. Chẳng hạn, làm sao để thủ tục không rườm rà. “Tiền ít, nhưng kể cả khi có tiền rồi thủ tục đặt hàng cũng rất khó khăn”, ông Đam nói về việc đặt hàng đào tạo nghệ thuật truyền thống.

Bà Phương Lan nêu việc cần có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. “Đề xuất Chính phủ cho phép trích một tỷ lệ nhất định từ tổng doanh thu phát hành phim trên cả nước vào quỹ. Lập kế hoạch thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa để bổ sung quỹ”, bà nói.

NSND Lê Tiến Thọ đề nghị xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển sân khấu. “Quỹ này hỗ trợ bình đẳng đơn vị công lập, ngoài công lập”, ông nói.

Bà Ngô Ngọc Ngũ Long nêu việc Hàn Quốc đã trích từ Quỹ xổ số quốc gia đầu tư cho văn hóa. Họ còn trích 3% vé bán ở các rạp chiếu bóng, dùng để đầu tư cho tác giả trẻ. Nhạc sĩ Đồng Hồng Quân cũng nêu giải pháp cho âm nhạc: “Hệ thống phát thanh truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... đều có kênh riêng cho loại hình âm nhạc kinh điển cùng sự dẫn giải cho người nghe”.

Trinh Nguyễn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm