Hiện, tổng diện tích rừng thông ven 2 tuyến quốc lộ này là hơn 330 héc-ta.
Song song với trồng mới, khôi phục rừng thông, 4 năm qua, lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường công tác bảo vệ, quản lý, lập hồ sơ xử lý gần 200 trường hợp về lấn, chiếm và sử dụng đất rừng phòng hộ trái phép dọc 2 tuyến đường này. Tỉnh đã cưỡng chế thu hồi hàng chục héc-ta bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép vào các mục đích trồng cây nông nghiệp, công nghiệp, làm nhà ở, công trình… trái phép để trồng lại rừng, khôi phục cảnh quan.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, việc bảo vệ, quản lý tốt, phát triển thêm rừng thông cảnh quan dọc các tuyến quốc lộ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, cảnh quan đặc trưng mà còn thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông, đơn vị chủ rừng trong chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ hành lang an toàn, kết cấu hạ tầng giao thông.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành kết luận về công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc Quốc lộ 28 và ven đường Hồ Chí Minh.
Huyện ủy Đắk Glong và Huyện ủy Đắk Song ban hành một số kế hoạch, nghị quyết khắc phục tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm đã được chỉ ra. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương, đơn vị chủ rừng đã vào cuộc, tích cực vận động người dân tự nguyện di dời tài sản, vật kiến trúc ra khỏi diện tích đất vi phạm, trả lại đất để trồng, khôi phục lại rừng. Nhiều trường hợp không hợp tác đã bị cưỡng chế, tháo dỡ, trong đó, chỉ tính riêng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong có 145 trường hợp bị cưỡng chế, thu hồi 36 héc-ta đất rừng bị lấn, chiếm trái phép để trồng lại rừng.
Theo Hưng Thịnh (TTXVN)