Phóng sự - Ký sự

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn tích hợp đa ngành, đa giá trị, Lâm Đồng trong bối cảnh mới tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo ra động lực mới để vươn mình khơi sáng những miền quê phát triển bền vững, đáng sống trên địa bàn.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để nâng tầm hoạt động du lịch gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa nông sản và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, cách trung tâm TP Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng chỉ vài cây số, vùng nông nghiệp xung quanh làng nghề trồng hoa truyền thống Vạn Thành đã lan tỏa nhiều điển hình tái cơ cấu, chuyển đổi trồng mới các giống hoa nhập khẩu từ châu Âu về thuần hóa theo quy trình chăm sóc của xứ ôn đới trên cao nguyên Lâm Viên, tạo ra lợi ích cấp số cộng “phát sáng” một góc trời cao nguyên…

khoi-sang-nhung-mien-que-dang-song-dd-4598-1754.jpg
Sinh viên các trường đại học trong nước tìm hiểu quy trình nhân giống lavender tại Pio Lavender Farm Đà Lạt

QUANH NĂM HAI MÙA DU LỊCH TÍM NGÁT

Giữa tháng 10/2024 cuối thu, phố hoa cao nguyên Đà Lạt sắp sửa tạm biệt những ngày tháng mưa “phong kín đường về”, đón chào những ngày nắng vàng ươm, mềm dịu như tấm dải lụa khổng lồ choàng lên khắp núi đồi. Với Pibo Lavender Farm (số 89, Vạn Thành, TP Đà Lạt), mùa nắng vàng là mùa cao điểm cho hoa tím nở rộ đón khách du lịch muôn nơi về khám phá, trải nghiệm liên tục thời gian qua đến hết tháng 4 năm sau.

Đây cũng là thời kỳ bước vào chính vụ thu hoạch các sản phẩm từ hoa lavender ở đây gồm: dịch vụ tham quan, cây giống, hoa cắt cành, tinh dầu thương phẩm. Còn mùa mưa giăng đều từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm, Pibo Lavender Farm dồn sức nhân bản gần 40 giống lavender cây gốc từ châu Âu gieo ươm bằng hạt hoặc giâm đọt theo quy trình kỹ thuật tự tìm tòi, nghiên cứu và hoàn chỉnh trên thực địa sản xuất nhiều năm.

Chủ nhân Pibo Lavender Farm Đậu Công Dũng cho hay: “Pibo Lavender Farm chúng tôi hiện thâm canh ổn định 12.000 m2, trong đó bố trí 10.000 m2 canh tác cây thương phẩm trưởng thành ngoài trời và 2.000 m2 nhà kính sản xuất cây giống. Hơn 5 năm qua, chúng tôi hoạt động theo quy mô hộ sản xuất kinh doanh, đón khách tham quan trung bình khoảng vài trăm lượt người mỗi ngày, trong đó thu hút số lượng du khách mùa mưa bằng khoảng 30% mùa khô…”.

Theo đó, Đà Lạt mùa mưa hoa lavender của Pibo Farm tỷ lệ “phát sáng” hoa tím ngoài trời chiếm 70-80% mùa khô, du khách phần lớn trải nghiệm sản xuất cây giống trong nhà kính tại các công đoạn gieo hạt, ươm cây, giâm đọt trên vỉ xốp, chuyển cây ra bầu đất đến công đoạn bứng cây trồng xuống đồng đất sản xuất đại trà, mật độ khoảng 4.000 cây/1.000 m2. Với gần 40 giống lavender trồng xen và luân canh phong phú sắc màu tím hồng đậm, tím hồng cánh sen, tím xanh, tím hoa cà, Pibo Lavender Farm chăm sóc cây con 50-60 ngày đã bung rễ phủ kín trên ô giá thể khay xốp. Thêm 1 tháng cây giống sinh trưởng trong bầu đất trước khi bám rễ hấp thu mưa gió, nắng lạnh ngoài trời để mỗi ngày bung cành, tỏa tán phát triển thành cây trưởng thành kinh doanh.

Đến tháng thứ 8 bắt đầu hoa lavender nở rộ liên tục từ cành hoa này đến cành hoa khác, phối cảnh “phát sáng” hương sắc giữa góc trời không gian trập trùng núi rừng cao nguyên Đà Lạt. Hoa lavender của Pibo Farm không chỉ cống hiến làn hương dịu êm, dáng hình thon dài, lung linh muôn sắc tím, mà con thu hoạch cắt cành bán sỉ và lẻ, thu hoạch cành hoa và thân cây hoa chưng cất tinh dầu. Phần lớn các đoàn khách đến Pibo Lavender Farm nghiên cứu, thưởng ngoạn đều có chung những cảm nhận “Hoa chậu và hoa trên đồng đẹp quá, xuất sắc quá, thơ mộng quá, mê say quá. Có một căn nhà nhỏ trên cánh đồng hoa lavender lan tỏa hương sắc quanh năm là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Chúng tôi sẽ trở lại Pibo Lavender Farm trong các chuyến lữ hành du lịch Đà Lạt thời gian tới với quy mô diện tích gấp nhiều lần hơn nữa…”.

TRỞ THÀNH CÂY ĐẶC HỮU “PHÁT SÁNG” ĐA GIÁ TRỊ

Chu kỳ 2 năm liên tục thu hoạch và phục vụ khách thưởng ngoạn hoa lavender, Pibo Lavender Farm thay thế trồng lại cây giống mới từ đầu để đảm bảo chất lượng và năng suất ổn định hơn. Ước tính trong năm 2024 trên diện tích 10.000 m2 canh tác hoa lavender ngoài trời, Pibo Lavender Farm tích hợp doanh thu gần trăm ngàn cây giống xuất vườn; trên dưới 20.000 cành hoa; 20 lít tinh dầu chưng cất; hàng chục ngàn lượt khách sử dụng dịch vụ giải khát; nhiều công trình tham quan du lịch, công viên công cộng, nhà ở sân vườn trong tỉnh Lâm Đồng tìm đến Pibo Lavneder Farm đặt hàng mua cây giống, hợp đồng thiết kế, thi công, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc hoa lavender cảnh quan, hoa lavender thương phẩm cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn thành phố cao nguyên Đà Lạt và các vùng quê, đô thị khác trong tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, chủ nhân Pibo Lavender Farm Đậu Công Dũng đã nhân rộng thành công 3 ha diện tích chuyên canh hoa lavender tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương phụ cận của TP Đà Lạt, mở ra hướng liên kết với nông dân phát triển chuỗi giá trị tích hợp gia tăng từ cây dược liệu và du lịch canh nông nơi này.

Năm nay ở tuổi 42, chủ nhân Đậu Công Dũng với học vị cử nhân sư phạm toán có gần 15 năm vừa dạy học vừa nghiên cứu, thuần hóa gần 40 giống hoa lavender từ trời Âu trở thành gần như giống đặc hữu của phố hoa Đà Lạt. Khởi sự từ vài ngàn mét vuông đất thuê thực nghiệm tại làng hoa Hà Đông qua 7-8 năm nếm trải những thất bại này đến thất bại khác mới kiên trì tích lũy kinh nghiệm thành công đến ngày hôm nay. Và với 12.000 m2 sản xuất giống và canh tác hoa lavender hiện thời cũng được thầy giáo Đậu Công Dũng lập hợp đồng thuê dài hạn, chuyển đổi từ các loại giống rau, hoa ngoài trời hiệu quả kinh tế không cao.

Các đối tác của lavender: “Bây giờ các doanh nghiệp chế biến dược liệu trong nước đều khẳng định lavender sản xuất trên cao nguyên Đà Lạt có hàm lượng dược tính và chất lượng tương đương hoặc cao hơn sản phẩm lavender nhập khẩu, nhưng giá thành lại thấp hơn rất nhiều. Chưa kể lavender Đà Lạt canh tác ngoài trời khả năng kháng bệnh rất cao, nên gần như không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, luôn bảo vệ môi trường trong lành để kết hợp phát triển sản phẩm du lịch canh nông theo nhu cầu của thị trường…”.

(CÒN NỮA)

Theo VĂN VIỆT (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm