Xã hội

Không căn cứ vào tổng thu nhập để tính mức đóng BHXH

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, từ ngày 1-1-2018, mức đóng BHXH bắt buộc ngoài lương còn bao gồm các khoản bổ sung khác. Xung quanh vấn đề này, thời gian qua có nhiều cách hiểu trái chiều khiến người lao động khá hoang mang. Nhằm giúp độc giả nhận thức đúng đắn về quy định trên, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai.

Ông Thới Văn Đạo. Ảnh: H.T

* PV: Theo Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Trước quy định này, nhiều người cho rằng, mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập. Cách hiểu như vậy có chính xác không và cụ thể quy định trên là như thế nào, thưa ông?

- Ông Thới Văn Đạo: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ và quy định tại Điểm 2, Điều 30, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Luật BHXH về BHXH bắt buộc có quy định, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, việc nhiều người hiểu từ ngày 1-1-2018 trở đi, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ được tính trên tổng thu nhập là thông tin chưa chính xác. Chúng ta chỉ đóng trên mức lương, một số khoản phụ cấp lương và một số khoản bổ sung khác.

* PV: Vậy xin ông cho biết, những khoản bổ sung và phụ cấp nào sẽ được tính đóng BHXH từ 1-1-2018?

- Ông Thới Văn Đạo: Những khoản bổ sung và phụ cấp được tính đóng BHXH được quy định tại Điểm 2, Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Cụ thể, ngoài những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành, sẽ bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Một số khoản phụ cấp được tính gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Bên cạnh đó, các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương cũng là căn cứ để tính mức đóng BHXH.

Có 14 khoản không phải tính đóng BHXH gồm: tiền thưởng theo quy định tại Điều 103, Bộ luật Lao động năm 2012; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; tiền hỗ trợ xăng xe; tiền hỗ trợ điện thoại; tiền hỗ trợ đi lại; tiền hỗ trợ nhà ở; tiền hỗ trợ giữ trẻ; tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết; tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân kết hôn; tiền hỗ trợ khi sinh nhật người lao động; tiền trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

* PV: Ông có thể cho ví dụ một trường hợp cụ thể để độc giả có thể hiểu rõ hơn về những khoản thu nhập mà họ phải đóng BHXH?

- Ông Thới Văn Đạo: Ví dụ ông B là công nhân tại Công ty A, có hợp đồng lao động với Công ty A với mức thu nhập gồm: Tiền lương 5.000.000 đồng/tháng, kèm theo các khoản phụ cấp chức vụ 650.000 đồng/tháng, phụ cấp khu vực 26.000 đồng/tháng, phụ cấp lưu động 39.000 đồng/tháng, phụ cấp công việc nặng nhọc 517.000 đồng/tháng. Tháng 10-2017, ông B được Công ty hỗ trợ thêm một số khoản như 150.000 đồng tiền điện thoại, 500.000 đồng tiền trợ cấp khó khăn.

Như vậy, các khoản mà ông B phải đóng BHXH gồm: 5.000.000 tiền lương; 650.000 đồng tiền phụ cấp chức vụ; 26.000 đồng tiền phụ cấp khu vực; 39.000 đồng tiền phụ cấp lưu động và 517.000 đồng tiền phụ cấp công việc nặng nhọc. Còn các khoản phụ cấp gồm: 150.000 đồng tiền điện thoại và 500.000 đồng tiền trợ cấp khó khăn Ông B không phải đóng BHXH.

* PV: Nếu đóng BHXH theo quy định mới, quyền lợi của người lao động như: chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu, tử tuất… sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Ông Thới Văn Đạo: Luật BHXH năm 2014 quy định, mức hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất được tính theo tỷ lệ phần trăm mức tiền lương đóng BHXH. Như vậy, việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu… mức đóng càng cao thì mức hưởng sẽ càng cao hơn.

* PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hồng Thi (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm