Hệ thống siêu thị Big C cùng với Metro đã được bán cho doanh nghiệp Thái Lan. Ảnh: long vũ
Đặt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và đứt gẫy, việc khơi thông thị trường nội địa bằng hàng loạt giải pháp hỗ trợ cũng như chiến dịch kích cầu tiêu dùng như du lịch nội địa được coi là gói kích thích kinh tế lớn nhất, vừa giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch và vừa không để thị trường trong nước rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại.
Khơi thông thị trường nội địa là gói kích thích lớn nhất
Trong đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và đứt gãy, từ đó gây nhiều khó khăn không chỉ đối với xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm từ Việt Nam mà cả nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện từ nước ngoài vào.
Để hạn chế sự tác động tiêu cực của dịch bệnh này, theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Nhà nước cần đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) tổ chức liên kết các chuỗi cung ứng trong nước. Sự liên kết này cần thực hiện nhiều kênh, tuyến như kết nối các DN Việt trong ngành và ngoài ngành với nhau, DN Việt với DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (FDI), DN ở nước ngoài, kết nối DN tại trung tâm kinh tế TPHCM với các địa phương.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), việc thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng trong nước sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu, sản phẩm từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Thứ hai là qua đó dần giúp hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam nhằm giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó tăng cường được sức chống chịu của DN Việt Nam trước các biến động của thị trường, hình thành ngành công nghiệp phụ trợ của các ngành. Thứ ba, việc liên kết với các DN FDI giúp các DN nội địa hiểu rõ hơn về các dòng sản phẩm và thị trường xuất khẩu ở quy mô toàn cầu và xu hướng thay đổi các sản phẩm và thị trường này trong tương lai.
Với thị trường bán lẻ nội địa, chỉ riêng trong năm 2019 quy mô của thị trường này đạt tới 161,7 tỉ USD (quy đổi), bình quân mỗi tháng đạt gần 13,5 tỉ USD, tương đương hơn 300.000 tỉ đồng.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cho rằng: “Nhà nước đồng hành cùng DN giúp khơi thông thị trường nội địa chính là gói kích thích lớn nhất”. Theo bà Chi, các DN tại TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu, giao thương với DN các tỉnh, những vùng nguyên liệu. Tuy nhiên để khơi thông một cách hiệu quả thị trường nội địa bà Chi cho rằng trước hết cần xây dựng cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng để DN thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh ngay trên chính sân nhà.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc tọa đàm mới đây đưa ra phân tích, trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu, từ tháng 5-12.2020 sẽ có 57% giá trị thương mại với các quốc gia này có thể hồi phục. Chính vì thế theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, các chương trình hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ cần nhằm vào nhu cầu của thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là rất quan trọng trong thời gian tới.
Để gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những phương án được HAWA nêu ra là thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa. Đơn cử điển hình là Công ty TNHH Hoàng Phát đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… thay vì trước đó thường nhập khẩu từ nước ngoài.
Không để lọt vào tay các DN ngoại
Nhìn nhận thị trường là vấn đề sống còn của DN, các FTAs (Hiệp định Thương mại tự do) chỉ là cơ hội mà không phải là sự bảo đảm chắc chắn để DN Việt vươn ra thị trường thế giới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước sẽ giúp cho các DN thực hiện tái khởi động.
Muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nhà mình là quan trọng. Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam. Bởi dưới tác động cộng hưởng của công nghệ số, của dịch bệnh, của chiến tranh thương mại, các dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều.
“Khi DN khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu DN Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn này. Tôi đề nghị phát động những tháng cao điểm “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” từ nay đến cuối năm” - TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Thực tế theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải - cuộc vận động đến nay đã và đang mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như cho nền kinh tế của đất nước. Những kết quả đó góp phần hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu, bảo đảm cân đối cung - cầu. Một hiệu quả rõ nét là với các mặt hàng thiết yếu, thị trường không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Để cuộc vận động ngày càng hiệu quả, trong bối cảnh hiện nay rất cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, cũng cần đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư.
Tăng tổng cầu để kích thích tiêu dùng nội địa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có 4 nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; thứ hai, rà soát cùng địa phương để tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng trưởng phục vụ phát triển thị trường trong nước; thứ ba, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa bằng việc tập trung quyết liệt cho những địa bàn, mặt hàng đang là điểm nóng. Về điểm này, rất cần địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và Bộ Công Thương để có những biện pháp và cơ chế đấu tranh hữu hiệu...; thứ 4, phát triển thông qua gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi đó theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa bằng cách tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các DN phân phối các mặt hàng thiết yếu, các ngành Du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…
Giải pháp khơi thông thị trường nội địa Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Nhà nước cần ban hành các chính sách, cơ chế thúc đẩy sử dụng nguyên liệu trong nước, có thêm các tiêu chí xét thầu cho DN trong nước tham gia các dự án đầu tư công, đẩy mạnh chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong khi đó, để khuyến khích các DN tham gia phát triển thị trường nội địa, HAWA cho rằng, Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt bằng cách tạo điều kiện ưu tiên cho các DN nội địa tham gia. Thế Lâm ghi |
NHÓM PHÓNG VIÊN (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/khong-de-thi-truong-noi-roi-vao-tay-doanh-nghiep-ngoai-804914.ldo