Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong tiếng nhạc lễ linh thiêng, cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh hòa vào dòng người khiến cho không khí ngày chính lễ thêm trang nghiêm.


Đoàn hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Từ 7 giờ, đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ, các địa phương và đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước đã tề tựu trước sân hành lễ của Khu di tích Đền Hùng chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công khai sơn trị thủy, gây dựng cơ đồ, bảo vệ giang sơn gấm vóc.

Hàng triệu con tim hướng về ngày Giỗ Tổ

Trong tiếng nhạc lễ linh thiêng, cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh hòa vào dòng người khiến cho không khí ngày chính lễ thêm trang nghiêm.

Đúng 6 giờ 30 phút, đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước cùng khối nghi thức, đội rước kiệu, lễ vật đã khởi hành từ sân Trung tâm Lễ hội Đền Hùng, tiến qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng.

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng.Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng.Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đi đầu đoàn hành lễ là đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Theo sau là các thiếu nữ mặc áo dài đỏ mang hương, hoa, lễ vật và 100 con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng, cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta.

Với mỗi người dân Việt Nam, dù già hay trẻ, dù ở miền ngược hay miền xuôi, câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10/3" đã ăn sâu vào trong tiềm thức.

Lễ rước kiệu. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Lễ rước kiệu. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Có mặt tại Đền Hùng từ 6 giờ, gia đình bà Trần Thị Cẩm (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) sửa soạn lễ vật được chế biến từ nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà để dâng cúng các Vua Hùng. Bà Cẩm cho biết, hằng năm, con cháu trong gia đình lại sum họp làm mâm cơm giỗ Tổ, năm nay gia đình bà về Đền Hùng để dâng lễ. Theo bà Cẩm đây cũng là dịp để gia đình trở với về cội nguồn dân tộc và ổn lại truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Còn với ông Dương Đức Tường (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), đây là lần đầu tiên được về với Đền Hùng, được thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức Tổ tiên. Ông chia sẻ: "Tôi có cảm tưởng như mình là những người con của mẹ Âu Cơ theo cha xuống biển, hôm nay được quay trở về sum vầy tại Đền Hùng”. Rất đông con cháu Lạc Hồng từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng đã về đây tham dự lễ Giỗ Tổ, mọi người hòa vào nhau trong bầu không khí thật ấm ấp, trang nghiêm và thành kính.

Nhiều gia đình 3, 4 thế hệ từ phương xa cũng đã cùng nhau về với đất Tổ để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng và sẽ dừng chân nhiều ngày tại Phú Thọ để tham quan vãn cảnh, tìm hiểu những di sản văn hóa độc đáo, thưởng thức những sản vật của địa phương.

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Theo Ban Tổ chức, sáng 18/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên núi Nghĩ Lĩnh linh thiêng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ và các địa phương đã thành kính vào Thượng cung dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

Theo ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, để chuẩn bị chu đáo cho ngày Giỗ Tổ, hướng tới xây dựng một lễ hội mẫu mực cho cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực chỉ đạo bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc. Phần hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, các sự kiện thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ.

Tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Trong ngày Giỗ Tổ, ở khắp mọi miền đất nước, triệu triệu trái tim người Việt đều hướng về đất Tổ tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công khai sơn trị thủy, gây dựng cơ đồ, bảo vệ giang sơn gấm vóc. Cùng với Phú Thọ, nhiều địa phương trong cả nước, nơi có đền thờ Vua Hùng và hàng ngàn ngôi đền khác trên khắp Việt Nam cũng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn công đức tổ tiên.

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Vì vậy, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, đời nối đời, thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến tháng 3, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức về Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về với lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước. Và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ để nhắc nhở mỗi người con đất Việt về công đức lớn lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Đây còn là dịp để mỗi người lắng trong đồng vọng ngàn xưa, cảm nhận sự thiêng liêng mảnh đất cội nguồn, những dấu son lịch sử chói lọi cùng bao dự cảm tốt lành về chặng đường phía trước. Đó chính là sức mạnh, niềm tin mà mỗi người có thể tìm thấy từ mảnh đất cội nguồn dân tộc.

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, Đền Hùng được xác định là Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh, lượng du khách hành hương về Đền Hùng bái Tổ ngày một đông. Hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã đón hàng triệu lượt du khách về Đền Hùng tham dự lễ hội.

Năm nay, lượng du khách về Giỗ Tổ tăng cao hơn những năm trước, đặc biệt trước ngày chính hội lượng du khách đã tăng đột biến. Đây là thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt, minh chứng cho sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Có thể bạn quan tâm