Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Không xin được việc chàng trai về nhà nuôi cá lóc cảnh, kiếm hàng chục triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không xin được việc làm, Trần Lâm Khánh (27 tuổi), ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã quyết định về nhà nuôi cá lóc cảnh, thu hàng chục triệu đồng/tháng.

Môi trường sống của cá lóc cảnh rất đa dạng

Năm 2017, Khánh tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng không xin được việc làm nên Khánh quyết định mua vài con cá lóc cảnh về nuôi tại gia.

"Khoảng thời gian đó mình cảm thấy rất áp lực với chuyện xin việc. Đôi lần mình có nhận làm ở một số công ty nhưng thấy mức lương, môi trường, con người không phù hợp nên đã nghỉ việc. Trong thời gian thất nghiệp, mình biết được thú chơi cá cảnh từ một vài người bạn và bắt đầu tìm hiểu", Khánh kể.

Cá lóc cảnh có kích thước từ 20 - 160 cm. Ảnh: TẤN ĐẠT
Cá lóc cảnh có kích thước từ 20 - 160 cm. Ảnh: TẤN ĐẠT

Khánh cho hay môi trường sống của cá lóc chủ yếu ở nước ngọt. "Cá lóc cảnh dễ nuôi, sống trong môi trường nước có nhiệt độ từ 20 - 30 độ C, đặc biệt phải yên tĩnh. Đó cũng là lý do khiến mình yêu thích cá lóc cảnh. Mỗi ngày mình chăm sóc cá, cảm thấy rất thoải mái tinh thần", Khánh chia sẻ.

Sau vài tháng nuôi, cá lóc cảnh của Khánh bắt đầu sinh nở, từ đó số lượng con giống tăng dần. "Mình bắt đầu chia sẻ hình ảnh cá lóc cảnh lên mạng xã hội, nhờ thế mọi người biết đến, hỏi mua nên có thêm thu nhập", Khánh kể.

Cá lóc cảnh dễ nuôi, đa dạng màu sắc. Ảnh: TẤN ĐẠT

Cá lóc cảnh dễ nuôi, đa dạng màu sắc. Ảnh: TẤN ĐẠT

Cá lóc cảnh được nhiều người trẻ yêu thích. Ảnh: TẤN ĐẠT

Cá lóc cảnh được nhiều người trẻ yêu thích. Ảnh: TẤN ĐẠT

Càng nghiên cứu, kinh doanh cá lóc cảnh, Khánh càng "nghiện" hơn về loài cá này. "Mình cũng lên mạng tìm hiểu và biết rằng cá lóc cảnh có nhiều điều hay và sự đa dạng tập tính, màu sắc mới lạ. Sau đó, mình đã gom tiền dành dụm, mượn thêm của gia đình để mua bể kính, nhập đa dòng cá lóc cảnh về nuôi, kinh doanh", Khánh nhớ lại.

Những con cá lóc cảnh có giá trị cao của Khánh. Ảnh: TẤN ĐẠT

Những con cá lóc cảnh có giá trị cao của Khánh. Ảnh: TẤN ĐẠT

Ngoài việc bán trên mạng, Khánh còn chủ động giao lưu với những người đam mê cá cảnh khác, từ đó học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cũng như bán được hàng. "Trên Facebook, có rất nhiều hội, nhóm về cá lóc cảnh, thậm chí có nơi lên đến hàng trăm ngàn người tham gia. Đây là một môi trường giúp mình kinh doanh cá lóc cảnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm", Khánh cho biết.

Bí quyết nuôi cá lóc cảnh

Đến thời điểm hiện tại, Khánh nuôi và kinh doanh hơn 50 dòng cá lóc cảnh như: Andrao (cầu vồng vây xanh), Bleheri (cầu vồng ngũ sắc), Gachua (vây xanh), Pulchra (pháo hoa)… "Mỗi dòng cá lóc cảnh đều có nét đẹp và màu sắc riêng, đa dạng kích thước. Đáp ứng đủ nhu cầu trải nghiệm cho người khó tính nhất", Khánh nói.

Thời gian đầu, Khánh cũng gặp ít nhiều khó khăn trong việc nuôi cá, đặc biệt là khâu chăm sóc. "Nếu thay nước trong bể quá nhiều lần sẽ dẫn đến cá chết. Nên nuôi hoặc bỏ thêm các loại cây thủy sinh, rong rêu trong bể để tạo môi trường tự nhiên, vì cá lóc cảnh có tập tính ẩn náu", Khánh nói.

"Cần lựa chọn hồ nuôi phù hợp, kích thước dao động từ 30 – 60 cm. Nên thiết kế nắp để đậy hồ, không nên có lỗ hở to, tránh cá lóc cảnh nhảy ra ngoài...", Khánh chia sẻ thêm.

Khánh từ chàng trai thất nghiệp đến kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng nhờ nuôi cá lóc cảnh. Ảnh: TẤN ĐẠT

Khánh từ chàng trai thất nghiệp đến kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng nhờ nuôi cá lóc cảnh. Ảnh: TẤN ĐẠT

Cũng theo Khánh, việc trang bị thêm máy lọc oxy, đèn... thì tùy nhu cầu và sự trải nghiệm của mỗi người, không quan trọng lắm đối với cá lóc cảnh.

"Thức ăn của cá lóc cảnh có thể là sâu, dế, cá nhỏ, trùn chỉ, tép, tôm hoặc cám viên dạng hạt nổi. Người nuôi nên cho cá ăn ngày 2 – 3 lần, chia nhỏ lượng thức ăn. Đối với cá trưởng thành, thì cho ăn mỗi ngày 1 – 2 lần. Trong quá trình sinh sản, hãy cho cá ăn thật nhiều dinh dưỡng từ mồi tươi sống", Khánh chia sẻ cách nuôi cá lóc cảnh.

Trong quá trình nuôi và chăm sóc cá lóc cảnh, Khánh chỉ thay nước 1 hoặc 2 lần/tháng. "Tùy theo chất lượng nước trong hồ mà quyết định có nên thay hay không. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ cần thay 50% lượng nước trong hồ. Điều này sẽ giúp cá lóc tránh được trạng thái bị stress do thay đổi môi trường đột ngột", Khánh nói.

"Giá mỗi con cá lóc cảnh bên mình dao động từ 200.000 đồng đến hàng chục triệu đồng, có những dòng quý hiếm thì hơn 100 triệu đồng/con. Trung bình mỗi tháng mình kiếm được từ 50 - 70 triệu đồng nhờ việc kinh doanh cá lóc cảnh", Khánh cho biết.

Anh Nguyễn Tuấn Tú (34 tuổi), viên chức tại Q.10, TP.HCM, cũng chi hơn 2 triệu đồng để mua vài con cá lóc cảnh về nuôi. "Mình thấy nuôi cá lóc cảnh khá dễ, ít tốn công chăm sóc. Không chỉ làm đa dạng con vật trong bể, nuôi cá lóc cảnh giúp mình giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc", anh Tú nói.

Còn Lê Hồng Phát (27 tuổi), làm việc tại 133 Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM, cũng hay đăng hình ảnh những con cá lóc cảnh lên mạng xã hội. "Mình biết đến cá lóc cảnh thông qua các nhóm, hội trên Facebook rồi thấy thích và tìm mua. Thời gian đầu khá vất vả trong việc tìm hiểu cách nuôi, xây dựng bể. Mình thấy cá lóc cảnh đa dạng màu sắc, người chơi thoải mái lựa chọn, không khó để tìm một dòng ưng ý về nuôi", Phát cho biết.

Có thể bạn quan tâm