TN - Đất & Người

Khu DT lịch sử CM của tỉnh tại xã Krong: Nơi lòng người hướng về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi khánh thành (ngày 19-5-2018) đến nay, Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) đã đón hàng ngàn lượt cán bộ và nhân dân trong tỉnh tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng đã đến trồng cây lưu niệm tại khu di tích, góp phần tôn tạo cảnh quan nơi đây. 
Báo Gia Lai huy động cán bộ, viên chức đóng góp mỗi người 1 ngày lương mua 3 cây giáng hương trồng tại khu di tích nhân dịp 2-9 vừa qua. Ảnh: Đ.T
Mới đây, chúng tôi có dịp về thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Dọc tuyến đường Trường Sơn Đông hướng về huyện Kbang là những cánh đồng mía xanh mướt chạy dài tít tắp. Qua thị trấn Kbang một đoạn-trên đường Đông Trường Sơn, xe bắt đầu chạy vào con đường liên xã nằm dưới tán rừng dẫn vào trung tâm xã Krong. Từ đây, theo con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, chúng tôi tiếp tục hành trình vào Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong.
Khu di tích nằm trên một triền đồi thoai thoải, bên cạnh con suối hiền hòa, róc rách ngày đêm, xung quanh là núi rừng hùng vĩ bao bọc. Nhà tiếp đón khách xây theo kiểu nhà sàn của người Bahnar, đi dọc lên là các khu lán trại và trên cùng là nhà bia tưởng niệm. Trong quá trình xây dựng, tôn tạo, những cây rừng cổ thụ có đường kính phần gốc lên đến cả mét được giữ lại, tỏa bóng rợp mát và đem lại dáng vẻ yên bình, nguyên sơ cho khu di tích-nơi bao năm qua vẫn được coi là một “địa chỉ đỏ” để các thế hệ cán bộ, người dân trong tỉnh tìm về, nhắc nhớ những ngày tháng kháng chiến gian khổ mà hào hùng, về giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do.
Để các thế hệ cán bộ và nhân dân địa phương thể hiện tình cảm và sự tri ân, khi xây dựng, tôn tạo khu di tích, tỉnh đã quy hoạch những vị trí để các địa phương, cơ quan, đoàn thể có thể trồng cây lưu niệm, góp phần tạo cảnh quan nơi đây. Theo Trung tâm Văn hóa huyện Kbang, đơn vị quản lý, theo dõi quy hoạch trồng cây tại khu di tích, từ khi khánh thành đến nay đã có 4 đơn vị, gồm: huyện Chư Sê, Ia Pa, Báo Gia Lai và Ban Dân tộc tỉnh đến đây trồng 28 cây giáng hương. Hiện tại, một số đơn vị trong tỉnh cũng đã đăng ký đến tham quan và trồng cây lưu niệm tại khu di tích.
Anh Phan Duy Hoàng-chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh-đã cùng lãnh đạo và đồng nghiệp trong cơ quan đến tham quan và trồng cây tại Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. “Kể từ khi khu di tích khánh thành thì đây là lần đầu tiên tôi được đến tham quan. Khu di tích được tôn tạo lại giúp thế hệ trẻ chúng tôi dễ hình dung hơn về cuộc sống của các vị lãnh đạo tỉnh trong thời kháng chiến. Từ đó, chúng tôi hiểu hơn về lịch sử tỉnh nhà và có thêm động lực để cố gắng cống hiến hơn nữa trong công việc, góp sức xây dựng quê hương”-anh Hoàng chia sẻ.
Ảnh: Đ.T
Trong gần 4 tháng qua, Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh đã đón tiếp khoảng hàng ngàn lượt khách thuộc các đoàn công tác của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đoàn thể và khách du lịch, nhân dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu. Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: “Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhân dân trong vùng và du khách gần xa. Không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, khu di tích còn có cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình, rất thích hợp để mọi người đến tham quan, vui chơi”.
Trên đường về, chúng tôi dõi mắt ngắm dòng sông Ba quanh co, uốn lượn quanh những ruộng lúa xanh mượt. Xa xa là những làng tái định cư với mái tôn đỏ tươi tràn đầy sức sống, những ngôi trường rộn rã tiếng cười đùa. Khung cảnh thật hiền hòa và ấm áp. Thế nhưng, chúng tôi vẫn còn chút băn khoăn, ấy là con đường liên xã, cũng là con đường duy nhất dẫn vào khu di tích có chỗ đã xuống cấp, hư hỏng. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, con đường này sẽ được sửa chữa, nâng cấp để người dân nơi đây đi lại dễ dàng, kết nối thuận lợi với trung tâm huyện và khu vực lân cận; để du khách gần xa cũng dễ dàng hơn khi về nguồn.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm