Sức khỏe

Khu vực miền Nam đã ghi nhận 15 ca đậu mùa khỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP HCM vừa ghi nhận thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ; tính đến thời điểm này, thành phố ghi nhận 13 ca mắc đậu mùa khỉ.

Sở Y tế TP HCM vừa báo cáo UBND TP HCM về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó có dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, trong ngày 6-10, TP HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca bệnh tính đến thời điểm này lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan - Trung Quốc vào tháng 7-2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM là nơi được phân công tiếp nhận cách ly, điều trị các ca đậu mùa khỉ ở khu vực phía Nam
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM là nơi được phân công tiếp nhận cách ly, điều trị các ca đậu mùa khỉ ở khu vực phía Nam

Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly để theo dõi, điều trị. Sức khỏe của các bệnh nhân ổn định.

Như vậy, tính riêng đến thời điểm này, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm bệnh đầu mùa khỉ, trong đó có 13 ca tại TP HCM và 2 ca ở Bình Dương.

Ngành y tế lưu ý bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn sốt: Kéo dài 0-5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức.

Giai đoạn phát ban ngoài da: Thường bắt đầu từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt, gồm ban dát sẩn, cục sẩn, mụn nước, mụn mủ.

Ban có xu hướng tập trung ở vùng mặt và ngọn chi hơn là ở vùng thân mình. Ban mọc chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngoài ra cũng hay gặp niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết giác mạc.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài đến vài ngàn nốt. Hầu hết triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong.

Có thể bạn quan tâm