Bạn đọc

Khuất tất quanh một vụ án dân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau gần 3 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, vừa qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên đã diễn ra với nguyên đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Cẩm-bà Nguyễn Thị Minh Hiền và bị đơn là vợ chồng ông Tuing-bà Hyenh.

Năm 1995, ông Nguyễn Văn Cẩm (trú tại tổ dân phố 9, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đến nhà gặp cha ông Tuing (SN 1965, trú tại thôn Piơm, thị trấn Đak Đoa) là ông Tuar (SN 1923, nay đã mất) và bà Nglet (SN 1945, vợ ông Tuar) để xin thỏa thuận trồng cà phê trên diện tích đất gần 3 ha của ông Tuar.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Tuing cho rằng: “Nguồn gốc đất của cha mẹ tôi, ông Cẩm lợi dụng chúng tôi là người dân tộc thiểu số, ít hiểu biết để làm giả giấy tờ, Tòa án lại giải quyết không công bằng nên ngoài kháng cáo, chúng tôi cũng làm đơn tố cáo HĐXX Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa ra bản án trái pháp luật đồng thời kiện UBND huyện Đak Đoa cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Cẩm không đúng quy định”.
 

Ông Cẩm cho rằng, giữa ông và ông Tuar đã lập một “Giấy hợp đồng trồng cà phê với phương thức sang nhượng đất”, diện tích 2 ha (lúc đó 2 bên không đo đạc cụ thể). Giấy trên do ông Cẩm viết nhưng đứng tên ông Tuar, ghi ngày 24-9-1995 với nội dung: Ông Cẩm chịu trách nhiệm dọn phát, đào lỗ, cây giống (cà phê), nước tưới chăm sóc. Sau đó, ông Cẩm cắt ra 2 sào (đã trồng 200 cây cà phê) trong phần diện tích trên để cho ông Tuing. Phần còn lại sẽ thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của ông Cẩm. Phía cuối hợp đồng có chữ ký của ông Cẩm, chữ ký ghi tên ông Tuing (ký phần người có đất), còn chữ ký ghi tên ông Tuar lại nằm qua một trang giấy khác. Ngày 4-6-1997, ông Cẩm được UBND huyện Mang Yang (nay là huyện Đak Đoa) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần I, số 12620643, với diện tích là 30.000 m2. Ngày 25-5-1998, ông Cẩm tiếp tục lập biên bản chia số lượng cà phê và chia cho ông Tuing 2 sào đất. Đến ngày 6-11-2013, UBND huyện Đak Đoa cấp lại GCNQSDĐ cho ông Cẩm và bà Hiền với diện tích 28.006 m2.

Khác với nội dung trên, ông Tuing cho rằng, việc thỏa thuận giữa ông Tuar với ông Cẩm là thỏa thuận miệng, không lập bằng văn bản. Vào năm 1995, ông Tuar đã giao gần 3 ha đất cho ông Cẩm trồng cà phê. Theo thỏa thuận, khi cà phê thu vụ đầu tiên thì chia đôi diện tích cà phê và đất cho mỗi người (tức ông Cẩm được 1,5 ha và gia đình ông Tuing 1,5 ha). Thế nhưng, đến năm 1998 (giai đoạn thu bói), ông Cẩm không thực hiện theo thỏa thuận ban đầu (miệng) với ông Tuar nên 2 bên bắt đầu xảy ra tranh chấp. Sau đó, ông Cẩm chia cho ông Tuing 5 hàng cà phê, ông Tuar đòi ông Cẩm chia thêm 4 hàng (tương đương 1,6 sào) nữa. Như vậy, từ năm 1998 đến nay, gia đình ông Tuing chỉ canh tác và thu hoạch 9 hàng cà phê (tương đương với 3,6 sào).

Năm 2014, cho rằng ông Tuing lấn chiếm đất, ông Cẩm khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Tuing-bà Hyenh và những người thừa kế phải trả lại cho ông Cẩm-bà Hiền diện tích đất là 2,4 sào.

Tại Tòa, nguồn gốc lô đất đã được xác định là của gia đình ông Tuar-bà Nglet. Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa xem xét Giấy hợp đồng trồng cà phê với phương thức sang nhượng đất ngày 24-9-1995 giữa ông Cẩm với ông Tuar-bà Nglet và ông Tuing được thực hiện theo sự cam kết ngày 25-5-1998 là đúng với hợp đồng ngày 24-9-1995.

Cũng tại Tòa, phía bị đơn và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn yêu cầu ông Cẩm-bà Hiền trả lại cho phía bị đơn 3 ha đất; đề nghị hủy GCNQSDĐ của nguyên đơn. Luật sư của bị đơn cho rằng: Ông Tuar và bà Nglet đều không biết chữ, không biết đọc và không biết tiếng Kinh, nhưng trong bản hợp đồng trồng cà phê với phương thức sang nhượng đất ngày 24-9-1995 lại có chữ ký của ông Tuar. Điều lạ là khi vợ chồng ông Cẩm được UBND huyện Mang Yang (cũ) cấp GCNQSDĐ năm 1997 thì mãi đến ngày 8-9-2000, ông Vũ Công Quyền (lúc này là Chủ tịch UBND thị trấn Mang Yang) lại xác nhận trong “Giấy hợp đồng trồng cà phê với phương thức sang nhượng đất”. Nội dung chỉ xác nhận ông Nguyễn Văn Cẩm và ông Tuing có hộ khẩu tại huyện Mang Yang. Luật sư đề nghị mời đại diện UBND huyện Đak Đoa tham gia với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ quy trình cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Cẩm nhưng không được Tòa chấp nhận.

Ông Huơr (già làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho hay: Trước đây, sự việc đã được đưa ra làng giải quyết để thỏa thuận phân chia đất. Ông Cẩm hứa sẽ thực hiện phong tục kết nghĩa cha con (phong tục của người Bahnar) với ông Tuar để được chia đất như con cái trong nhà, nhưng ông Cẩm không thực hiện.  

Nghi vấn về “Giấy hợp đồng trồng cà phê với phương thức sang nhượng đất” với toàn bộ nội dung do ông Cẩm viết, HĐXX hỏi nguyên đơn có chứng minh được nội dung trong hợp đồng và nội dung ông Cẩm đọc cho gia đình ông Tuar lúc đó có giống nhau tuyệt đối không. Ông Cẩm khẳng định là giống. Tuy nhiên, theo ông Tuing: Chúng tôi là người dân tộc thiểu số, tiếng Kinh không rành nên mới bị ông Cẩm lừa.

Sau nhiều lần hòa giải, ông Cẩm thống nhất chia thêm cho ông Tuing 6,4 sào đất. Như vậy, với diện tích hiện tại ông Tuing đang canh tác là 3,6 sào và diện tích ông Cẩm chia mới thì ông Tuing có tổng diện tích đất là 1 ha. Song ông Tuing không chấp nhận với lý do mảnh đất là của gia đình ông, vì vậy ông muốn lấy lại công bằng chứ không phải đi xin ông Cẩm nữa.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên án: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Cẩm và bà Hiền. Buộc ông Tuing-bà Hyenh, bà Nglet và các con của ông Tuar phải trả lại cho ông Cẩm và bà Hiền diện tích đất là 2.410 m2 vì xâm lấn trong quá trình sử dụng.

 Trần Hằng

Có thể bạn quan tâm