Đô thị

Khuôn mặt mới của khu phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuẩn bị bước vào năm mới Mậu Tuất 2018, đường Sư Vạn Hạnh (phường Hội Thương, TP. Pleiku) trở nên thoáng đãng, khang trang, mọi người đều rạng rỡ, thân thiện…

Gia đình tôi chuyển về sinh sống ở đường này đến nay đã gần 35 năm, gần bằng cả cuộc đời làm viên chức nhà nước. Ngày trước, đây là một con đường đất bẩn chật và bị tắc lối thông qua hồ Diên Hồng và đường Nguyễn Trung Trực bây giờ. Dân cư còn thưa thớt, nghèo khổ, sống trong cảnh ẩm ướt lầy lội mùa mưa và bụi bặm ngút trời mùa khô; con suối Hội Phú chảy ngang còn um tùm cỏ lau, cây cối rậm rạp, trở thành nơi ẩn cư, sinh sôi của muỗi mòng, côn trùng có hại, cộng thêm rác thải của người dân gây ô nhiễm môi trường.

 

Đường Sư Vạn Hạnh (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Đường Sư Vạn Hạnh (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Đây là khu phố nghèo, đa phần người dân sống bằng nghề nông nhưng thiếu đất đai, chỉ có vài chục nóc nhà lúp xúp bên bờ suối. Họ khai hoang ít mảnh đất khô để trồng rau bán mưu sinh qua ngày nhưng chỉ được một vụ, còn đến mùa mưa thì nước dâng ngập khó bề canh tác. Thanh niên lớn lên thường học hành dở dang, một số tha phương cầu thực, số ít làm nghề “thợ đụng”, còn lại sa vào con đường lưu manh hóa, vi phạm pháp luật bị tù tội…

Ngày ấy, ở thị xã Pleiku có 2 nơi tai tiếng nhất mà đến giờ người ta vẫn còn nhắc đến, đó là xóm Chợ Nhỏ và đường Sư Vạn Hạnh, nơi dung chứa nhiều thành phần giang hồ tứ chiếng, là điểm nóng về an ninh trật tự. Khi gia đình tôi quyết định mua nhà về đây định cư, bạn bè và nhiều người cũng can ngăn vì độ an toàn thấp, con cái lớn lên dễ bị lây nhiễm thói hư tật xấu… khiến tôi phân vân. Nhưng thú thật, với đồng lương viên chức, tôi nào dám mơ phố cao, nhà rộng nên cứ liều với quan niệm rằng: Người ta sống được thì tại sao mình không? Cứ sống tốt với dân nghèo thì họ sẽ giúp mình, lo chi! Nhiều cán bộ, viên chức như tôi cũng về định cư ở khu phố lắm tiếng tăm này, dần dần tạo nên không khí mới, thêm vào đó phong trào an ninh trật tự ở khu dân cư được nhân dân hưởng ứng nên các vụ vi phạm pháp luật đã giảm dần từng năm.

Đầu năm 2017, chủ trương nâng cấp đường Sư Vạn Hạnh đã được người dân phường Hội Thương hoan nghênh. Cư dân 2 bên đường không ngần ngại khi được chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động hiến đất, dời hàng rào nhường lại mặt bằng để làm đường. Nhiều gia đình tự giác chặt hạ cây cối, đập tường nhà, chấp nhận lấp giếng nước đang dùng để tạo điều kiện cho công trình thi công đúng tiến độ. Bởi họ ý thức rằng, khi con đường được nâng cấp, lòng lề đường rộng rãi, thông thoáng thì giá trị nhà đất sẽ nhân lên, cuộc sống của gia đình có cơ hội đổi thay…

Từ chỗ đất đai ở 2 bên đường Sư Vạn Hạnh chả mấy ai để ý, có cho không cũng chả mấy người muốn ở thì nay giá đất cứ thổi vùn vụt lên từng ngày. Vài ba người, cũng nhân cơ hội làm đường mới, bán đi ít mét đất để xây cất lại nhà cửa cho khang trang tương xứng với con đường đẹp đang thi công. Nhiều người ở nơi khác khi nghe tin làm đường Sư Vạn Hạnh và xây dựng suối Hội Phú thành công viên sinh thái của TP. Pleiku cũng về mua đất cất nhà hoành tráng; nhiều công ty về xây khách sạn và lập văn phòng kinh doanh... Đến nay, con đường được trải nhựa hoàn tất, từ đầu đến cuối phố người dân đã xây nhà cao cửa rộng, không còn cảnh xô bồ, chen lấn của những ngôi nhà cũ kỹ, bề bộn. Các ngôi chùa lớn nằm 2 bên đường cũng đã xây cất lại khá bài bản, sạch sẽ, tươm tất chuẩn bị để đạo hữu hành hương chiêm bái Phật đường vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến.

Người dân khu phố tôi đang vui như Tết. Họ không còn mặc cảm mình đang ở nơi nghèo nhất thành phố này. Mọi người như cảm thấy được đổi đời và hy vọng khi công trình suối Hội Phú hoàn tất thì nơi đây sẽ là “khu đáng sống nhất” của Phố núi thân yêu.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm