Kinh tế

Nông nghiệp

Kiểm soát an toàn thực phẩm nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản đã được các ngành, địa phương chú trọng kiểm soát từ khâu sản xuất đến chế biến, góp phần đưa sản phẩm an toàn ra thị trường và nâng cao giá trị kinh tế.
Đẩy mạnh sản xuất theo tIÊU chuẩn VietGAP
Bà Hoàng Thị Thủy (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tổ hợp tác sản xuất cây có múi của chúng tôi có 20 thành viên với tổng diện tích khoảng 20 ha. Các thành viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm được bạn hàng tìm đến mua”.
Theo bà Thủy, hiện nay, Tổ đang liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Nam Yang sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. Cách làm này giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi về hình ảnh, chất lượng tại các siêu thị nên được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Mới đi vào hoạt động được khoảng 2 năm, Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên đã liên kết với một số hộ trồng cà phê để sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Công ty cũng chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất cà phê đặc sản và cà phê chất lượng cao nhằm tạo giá trị bền vững từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế đến chế biến.
Ông Nguyễn Hải Phong-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Để nâng cao giá trị hạt cà phê cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi liên kết với 10 hộ trồng cà phê tại thôn Hồ Nước (thị trấn Chư Sê); 8 hộ tại 2 xã Hải Yang và Ia Băng (huyện Đak Đoa), 1 hộ tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), 1 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Theo đó, Công ty hỗ trợ giống cà phê nguyên bản và những giống chất lượng cao để người dân tái canh; cán bộ kỹ thuật của Công ty lấy mẫu đất, sinh thái, dinh dưỡng hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế. Công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường”.
Vườn dưa lưới của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP.Pleiku). Ảnh: N.D
Vườn dưa lưới của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: N.D
Theo ông Phong, cách làm này đã mang lại kết quả rất khả quan. Niên vụ vừa rồi, Công ty đã thu mua 10 tấn cà phê đặc sản và 25 tấn cà phê chất lượng cao do nông dân sản xuất theo quy trình. Thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng các hợp tác xã sản xuất cà phê đặc sản, chất lượng cao tạo vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh thái vừa đảm bảo sức khỏe vừa nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn 
Những năm gần đây, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất nông-lâm-thủy sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch kết nối 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm sản và thủy sản an toàn. Các chuỗi cung ứng thực phẩm đã góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, bảo quản, đóng gói...
Khoai lang Lệ Cần được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.D
Khoai lang Lệ Cần được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.D
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các địa phương, cơ sở hỗ trợ các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản”.
Cũng theo ông Toàn, sắp tới, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu y tế-dân số hỗ trợ 335 triệu đồng, Chi cục sẽ chọn 5 điểm xây dựng mô hình sản xuất rau, cây ăn quả, lúa, khoai lang và cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 38.350,9 ha cà phê, chè, hồ tiêu, rau quả từ 39 cơ sở được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ, hữu cơ.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm