Thời sự - Bình luận

Kiểm soát quyền lực bằng thể chế và giám sát của nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực”.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Nhật Bắc
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Nhật Bắc
Đó là khẳng định của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khi trình bày chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, diễn ra hôm qua, 5.12.
“Lợi dụng quyền lực” hay “lạm dụng quyền lực” để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang là thực tế diễn ra đối với một bộ phận cán bộ suy thoái, biến chất. Điển hình là những đại án gần đây như vụ Việt Á, vụ Chuyến bay giải cứu của Cục lãnh sự, vụ AIC… cho thấy mức độ nghiêm trọng.
Ngăn chặn tham nhũng phải chặn được cái gốc “lợi dụng quyền lực”, để quyền lực không bị lạm dụng và thao túng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát rằng, phải “nhốt quyền lực trong lồng thế chế”. Điều này phải được đảm bảo bằng các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với việc phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch và không chịu sự lệ thuộc lẫn nhau ngoài khuôn khổ luật định.
“Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” là cơ sở để kiểm soát quyền lực. 
“Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước”- Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định.
Kiểm soát quyền lực trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ảnh hưởng đến vai trò của Đảng mà ngược lại, càng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong sự thượng tôn của Hiến pháp, pháp luật, chống lại những lạm dụng, thao túng quyền lực mà không phải chịu sự can thiệp của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Và kiểm soát quyền lực không thể thiếu vai trò của nhân dân. Hiến pháp 2013 cũng như tất cả các bản Hiến pháp trước đây của nước ta đều khẳng định chủ quyền Nhân dân là nguyên tắc bất biến. Nguyên tắc này tự nó đã nói lên vai trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước. 
Song để nhân dân tham gia sâu hơn, mạnh hơn thì cần có những đảm bảo, điều kiện luật định cần thiết cho nhân dân kiểm soát việc thực thi quyền lực trong các cơ quan nhà nước. 
Phát huy được vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong kiểm soát quyền lực là nội dung cơ bản trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng đang xây dựng và hoàn thiện.
Chỉ có như vậy, quyền lực mới được “nhốt trong lồng thể chế”, được kiểm soát tốt và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tham nhũng tiêu cực.
Theo Hoàng Lâm (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/kiem-soat-quyen-luc-bang-the-che-va-giam-sat-cua-nhan-dan-1124314.ldo

Có thể bạn quan tâm