Sở TNMT, Công thương, Xây dựng... (tỉnh Bình Định) tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau khi Kiểm toán Nhà nước xác định các vi phạm, khuyết điểm về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Thậm chí, Cục Thuế cũng chỉ đạo họp kiểm điểm vì bị kiến nghị “cung cấp số liệu thanh tra cho kiểm toán chậm, không chính xác, không đầy đủ”.
Tham mưu cấp mỏ 29ha đất ngoài quy hoạch, cả chục doanh nghiệp khai thác nhưng chưa thuê đất
Ngày 25/12, nguồn tin của Dân Việt cho biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký Công văn số 7506 gửi Kiểm toán Nhà nước, phản hồi kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017-2021.
Theo công văn này, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Sở TNMT đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 6 vụ việc: Tham mưu cấp phép 4 giấy phép mỏ vật liệu san lấp với diện tích 48,02ha (trong đó có 29,14ha ngoài quy hoạch); lập, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa kịp thời; tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5360/UBND-KT ngày 4/9/2018 về quy trình cấp phép khai thác đất phục vụ công trình trọng điểm; doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng đã khai thác khoáng sản; dự án giấy phép khai thác sau khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng chưa có đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt, phục hồi môi trường chậm; ban hành Quyết định thanh tra số 532/QĐ-TNMT ngày 7/12/2017 không tuân thủ kế hoạch thanh tra năm đã được duyệt.
Núi Bà Hoả nằm trong khu đô thị Hồ Phú Hoà (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hiện đang nham nhở, do tình trạng khai thác khoáng sản có phép lẫn không phép, để lại. Ảnh: Dũ Tuấn |
Tại thời điểm đoàn Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II kiểm tra, tại tỉnh Bình Định có 14 dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa thuê đất, ký hợp đồng thuê đất.
Hiện tại, chỉ có 2 doanh nghiệp đã lập hồ sơ xin thuê đất, được UBND tỉnh cho thuê đất. 9 trường hợp doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa thuê đất (giấy phép đã hết hạn), Sở TNMT đề nghị Cục Thuế tỉnh xác minh và truy thu tiền thuê đất.
Còn 3 doanh nghiệp còn hạn khai thác nhưng chưa lập hồ sơ xin thuê đất, Sở TNMT yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, nghiêm túc thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định.
"Đến nay, còn 55/150 mỏ hoạt động khoáng sản chưa lắp đặt camera. Có 17 mỏ hoạt động khoáng sản đã lắp đặt trạm cân, các mỏ còn lại chưa lắp đặt trạm cân chủ yếu là các mỏ hoạt động khai thác cát lòng sông và khai thác đất san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, các khu vực mỏ này có thời gian khai thác ngắn hạn và địa hình khu vực mỏ nhỏ hẹp, hạn chế về vị trí để lắp đặt trạm cân", công văn nêu rõ.
Đối với kiến nghị "Cung cấp số liệu về tình hình thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn 2017-2021 cho Tổ Kiểm toán Nhà nước chậm, không chính xác, không đầy đủ...", UBND tỉnh Bình Định cho biết, Cục Thuế đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Ảnh: Dũ Tuấn |
Họp kiểm điểm vì bị kiến nghị cung cấp số liệu không chính xác cho kiểm toán
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay, Sở Xây dựng đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc ban hành Kế hoạch kiểm tra số 08/KH-SXD ngày 19/6/2018 và Thông báo kết luận kiểm tra số 04/KL-SXD ngày 9/10/2018 của Sở Xây dựng.
Đối với trách nhiệm của Sở Công Thương tỉnh Bình Định, không tổ chức kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản năm 2017, như thông báo kết quả kiểm toán.
Từ năm 2018 đến nay (năm 2022), Sở này mới xây dựng đầy đủ các kế hoạch kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Giai đoạn 2017-2021, Sở Công Thương báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa chưa đầy đủ theo quy định.
Hiện, Sở này đã thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc "Không xây dựng kế hoạch, biện pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý tài nguyên khoáng sản năm 2017, 2018; chưa thực hiện công tác kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản trong năm 2017; báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-BCT ngày 30/12/2016 của Bộ Công Thương".
Sau khi khai thác đất trái phép, doanh nghiệp kiếm bộn tiền để lại 3 hố sâu “tử thần” ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, "phó mặc" việc khắc phục hậu quả cho người dân và chính quyền, ảnh chụp hồi tháng 3. Ảnh: Dũ Tuấn |
Sở Công Thương tỉnh Bình Định cam kết, nghiêm túc công tác kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản và báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đúng quy định.
Đối với kiến nghị "Cung cấp số liệu về tình hình thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn 2017-2021 cho Tổ Kiểm toán Nhà nước chậm, không chính xác, không đầy đủ...", UBND tỉnh Bình Định cho biết, Cục Thuế đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc này.
Cụ thể, Cục Thuế chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế triển khai kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước họp kiểm điểm (ngày 5/10) phân tích nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm trong việc đôn đốc các phòng, chi cục thuế thực hiện cung cấp số liệu để tổng hợp, báo cáo Tổ Kiểm toán Nhà nước tránh để xảy ra sai sót lần sau.
Người dân ở tỉnh Bình Định sống gần mỏ khoáng sản dựng bảng yêu cầu xe tải khai thác chạy chậm, tránh ảnh hưởng cuộc sống của họ. Ảnh: Dũ Tuấn |
Chi cục Thuế khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão tổ chức họp rút kinh nghiệm liên quan đến nội dung kiến nghị "Chi cục Thuế khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão quyết định gia hạn thời gian kiểm tra tại Quyết định số 942/QĐ-CCT ngày 25/6/2021 chậm 14 ngày so với quy định tại khoản 1 Điều 62 Thông tư 156/2013/TT-BTC; quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 970/QĐ-CCT ngày 6/7/2021 không đúng mức phạt quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ".
"Ngoài ra, Sở Tài chính tỉnh Bình Định đã chủ trì, xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2023 đúng thời gian như quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện tích hợp 29,14ha diện tích 4 mỏ vật liệu san lấp vào Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, theo Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ", công văn nêu.
Để xoá hố sâu do các đối tượng khai thác đất trái phép tại xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát để lại, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý phương án cho Công ty cổ phần Phú Tài dùng đá vụn và bột đá để lấp hố, ảnh chụp hồi tháng 5. Ảnh: Dũ Tuấn |
Bình Định kiến nghị gì với Kiểm toán Nhà nước?
Về tiền nợ ký quỹ bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định cho rằng, đối với 4 dự án (4 đơn vị) thu đủ số tiền ký quỹ còn nợ trong năm 2022, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đưa ra khỏi danh danh sách đối tượng tiếp tục phải thu nợ tiền ký quỹ.
Đối với 42 dự án (34 đơn vị) còn nợ tiền ký quỹ đến thời điểm 31/12/2021 với số tiền là hơn 25,9 tỷ đồng (đã thu hơn 7,3 tỷ đồng), kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đưa ra khỏi danh danh sách đối tượng tiếp tục phải thu nợ tiền ký quỹ, ngừng truy thu số tiền ký quỹ còn thiếu.
Đồng thời, số tiền đã thu được giao Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh tạm giữ và có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn liên quan đến nội dung "quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Đối với 17 dự án (13 đơn vị) còn nợ tiền ký quỹ sau kết luận kiểm toán với số tiền là hơn 2,4 tỷ đồng, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Quỹ bảo vệ môi trường tiếp tục gửi thông báo lần 2 và tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định; sẽ báo cáo cho Kiểm toán Nhà nước kết quả thực hiện trong quý I năm 2023.
Như vậy, về số tiền ký quỹ còn nợ tại kết luận kiểm toán là hơn 29,3 tỷ đồng thì đã thu đủ 4 dự án là hơn 926 triệu đồng; tiếp tục thu 17 dự án là hơn 2,4 tỷ đồng; kiến nghị đưa ra khỏi danh sách tiếp tục thu 42 dự án là hơn 25,9 tỷ đồng.
|
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)