(GLO)- Chiều 21-7, Sở Công thương Gia Lai đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai để nắm bắt công tác dự trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện nay, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai là đơn vị phân phối lớn với thị phần hàng hóa thiết yếu chiếm khoảng 50%. Ngoài kế hoạch kinh doanh thường xuyên, đơn vị đã lên phương án dự trữ hàng hóa cụ thể trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo đó, Công ty đã đàm phán với các đối tác để chủ động nguồn hàng, phục vụ hầu hết các địa phương trong tỉnh. Công ty hiện có 245 người, trong đó lao động trực tiếp tiếp cận thị trường là 183 người với 40 xe tải, lượng hàng bình quân khoảng 80 tấn/ngày. Để chủ động nguồn hàng, Công ty đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với trị giá hơn 80 tỷ đồng (tương đương doanh thu trong 1 tháng bán hàng) bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, dầu ăn, nước mắm, sữa, đồ hộp, bánh kẹo… Bên cạnh sự chủ động về nguồn hàng thì hiện nay, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng gặp một số khó khăn, lượng hàng đặt về chậm hơn so với bình thường do khâu vận tải qua các chốt kiểm dịch, các nhà sản xuất hoạt động công suất ít hơn bình thường.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện dự trữ hàng hóa trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ: “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hàng hóa tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ’; đồng thời thực hiện 3 sẵn sàng: “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.
Trong trường hợp Gia Lai thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty phải rà soát phương án và có kế hoạch cụ thể để điều tiết cung cầu hàng hóa, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá xảy ra. Đặc biệt, phải nâng công suất các kho dự trữ lên khoảng 20%; có phương án bán hàng lưu động; đồng thời phải tìm ra phương thức vận chuyển phù hợp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
VŨ THẢO