Sau khi Báo SGGP phản ánh vụ phá rừng, đoàn chức năng thuộc Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cùng các đơn vị có liên quan vào hiện trường kiểm tra thực tế, hiện đã tiếp cận được hiện trường
P
Rừng xã Đắk Na bị tàn phá
Ngày 3-3, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi Báo SGGP phản ánh vụ việc phá rừng ở khu vực xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông phối hợp với các đơn vị có liên quan như UBND xã Đắk Na, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông đi kiểm tra thực tế báo phản ánh để có hướng xử lý.
Cùng ngày, ông Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện lực lượng của đơn vị vẫn đang phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum kiểm tra trong rừng.
Bước đầu, các lực lượng chức năng đã tiếp cận được vị trí phá rừng mà Báo SGGP đã nêu và đang mở rộng kiểm tra thêm. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng đang ở rừng nên hiện chưa thể cung cấp số liệu cụ thể về vụ phá rừng.
Tu Mơ Rông được biết đến là thủ phủ “quốc bảo” sâm Ngọc Linh của Kon Tum với hầu hết diện tích của các doanh nghiệp và người dân đều trồng ở huyện này. Người dân lo ngại việc phá rừng sẽ ảnh hưởng đến việc trồng sâm Ngọc Linh ở địa phương này.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn xã Đắk Na cũng có quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh. Tỉnh mới cho một doanh nghiệp thuê rừng trồng sâm nhưng hiện chưa trồng. Tuy nhiên, vị trí quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh ở xã Đắk Na, nằm giáp ranh với huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, còn vị trí báo phản ánh thuộc rừng sản xuất, giáp ranh với huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) và không nằm trong quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh.
Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, tại khu vực rừng xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, gỗ bị lâm tặc “xẻ thịt”, sau đó cắt từng lóng nằm ngổn ngang. Người dân lo ngại rừng bị phá sẽ ảnh hưởng đến việc trồng sâm Ngọc Linh.
Hữu Phúc (SGGPO)