(GLO)- Ngay đầu năm học 2019-2020, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra tất cả xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Những phương tiện vi phạm đều đã bị yêu cầu dừng hoạt động.
Chuyển biến ở khu vực đô thị
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 44 trường học ở 11 huyện, thành phố có phương tiện đưa đón học sinh hoạt động. Các địa phương có nhiều phương tiện ô tô đưa đón học sinh gồm: TP. Pleiku (47 chiếc), huyện Ia Grai (38 chiếc), Chư Prông (20 chiếc), Đức Cơ (12 chiếc), Chư Sê (8 chiếc)… Để siết chặt quản lý hoạt động của loại phương tiện này, từ ngày 10 đến 19-9, đoàn liên ngành do Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xe ô tô đưa đón học sinh trên phạm vi toàn tỉnh.
Tại Pleiku, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai là đơn vị hợp đồng phương tiện đưa đón học sinh nhiều nhất với 21 chiếc vì trường cách xa trung tâm thành phố, số lượng học sinh bán trú nhiều (600 em). Cô Lê Thị Hồng Linh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Các xe đều bố trí 1 tài xế và 1 nhân viên phục vụ. Trước giờ xuất phát, tài xế luôn kiểm tra phương tiện. Với cự ly trung bình mỗi tuyến khoảng 10 km nên các xe sẽ bắt đầu đón học sinh từ 6 giờ và đưa các em về trường trước 6 giờ 45 phút. Khi xe đến nơi, nhân viên nhà trường sẽ điểm danh, ký nhận bàn giao học sinh”.
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh tại Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai. Ảnh: L.H |
Tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xe đưa đón học sinh đã 12 năm, Doanh nghiệp tư nhân An Lộc (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) hiện có số lượng phương tiện loại này lớn nhất TP. Pleiku với 24 chiếc, hợp đồng đưa đón học sinh tại 11 trường học trên địa bàn thành phố và huyện Đak Đoa. Ông Phạm Văn Kiệt-Giám đốc Điều hành Doanh nghiệp tư nhân An Lộc-cho hay: “Các xe đưa đón học sinh đều phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện. Doanh nghiệp hiện đang hợp đồng với 24 tài xế, hầu hết là giáo viên giảng dạy tại các trường đào tạo lái xe chuyên nghiệp trên địa bàn. Do vậy, điều kiện người lái rất tốt cả về tay nghề lẫn ý thức, sự chuẩn mực khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Hàng năm, tất cả tài xế của doanh nghiệp đều được khám sức khỏe định kỳ”.
Kết quả kiểm tra các phương tiện ô tô đưa đón học sinh tại TP. Pleiku cho thấy, hầu hết các chủ phương tiện, tài xế đều chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện người lái cũng như điều kiện pháp lý. Chỉ một số ít xe còn thiếu búa thoát hiểm, bình chữa cháy hết hạn hoặc hư hỏng, không ghi công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở GT-VT hay thiếu khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” phía trước người lái. “Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở chủ phương tiện nhanh chóng bổ sung trang-thiết bị còn thiếu để đảm bảo điều kiện hoạt động tốt nhất”-ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở GT-VT), trưởng đoàn kiểm tra-thông tin.
Xe kém chất lượng len lỏi về vùng sâu
Nếu như ở TP. Pleiku, các chủ phương tiện đưa đón học sinh đều chấp hành khá nghiêm túc quy định pháp luật thì tại một số huyện vùng sâu của tỉnh, tình trạng vi phạm còn diễn ra. Điển hình như tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Lúc 10 giờ 45 phút ngày 17-9, khi 2 trường: Tiểu học Chu Văn An và THCS Lê Hồng Phong chuẩn bị tan học, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất các phương tiện đưa đón học sinh. Thời điểm đoàn đến nơi, trước cổng 2 ngôi trường này có tới 4 xe ô tô đưa đón học sinh đậu, nhiều em đã ngồi đợi sẵn bên trên. Thấy đoàn kiểm tra, 2 tài xế vội bỏ đi, chỉ còn 2 người ở lại làm việc.
Những hàng ghế ngồi học sinh bị hư hỏng, rách hết phần tựa lưng. Ảnh: Lê Hòa |
|
Kiểm tra xe ô tô BKS 77B-018.57, đoàn liên ngành phát hiện phương tiện này đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 9-2018. Hệ thống ghế ngồi trên xe phần lớn đã rách tươm. Xung quanh khu vực ghế tài xế, các bộ phận ốp bằng nhựa đã hư hỏng và bị gỡ bỏ, ngồi trong xe có thể nhìn thấu hệ thống máy móc lắp đặt phía trước… Số học sinh trên xác nhận vẫn được xe này đưa đón đi học trong những ngày vừa qua.
Qua kiểm tra tại xã Ia Chía, đoàn đã lập biên bản đối với 2 xe BKS 81B-000.94 và BKS 77B-018.57 với các lỗi: không có phù hiệu “Xe hợp đồng”, không có bình chữa cháy và búa thoát hiểm, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn. Riêng với xe ô tô 7 chỗ ngồi BKS 81A-022.19, tài xế Ksor Kích xuất trình giấy phép lái xe số 790083245123 do Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 11-4-2018 nhưng đoàn liên ngành nghi đây là giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trước các vi phạm nêu trên, đoàn đã yêu cầu dừng hoạt động đối với cả 3 phương tiện này, đồng thời thông báo cho lực lượng Công an địa phương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài các xe trên, trong đợt kiểm tra này, đoàn liên ngành còn yêu cầu 3 phương tiện đưa đón học sinh khác gồm: xe ô tô BKS 81B-002.41 (Trường THPT Plei Me, huyện Chư Prông), xe ô tô BKS 75B-002.99 (Trường THCS Lê Lợi, huyện Đức Cơ) và xe ô tô BKS 81B-016.12 (Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Trường THCS Quang Trung, huyện Kông Chro) dừng hoạt động do có nhiều lỗi vi phạm. Ông Nguyễn Bá Minh nhận xét: “Có thể thấy, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn có những xe không đảm bảo điều kiện len lỏi hoạt động. Trong điều kiện địa bàn rộng, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể quán xuyến tốt mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, nhà trường, phụ huynh cần quan tâm, lựa chọn phương tiện đảm bảo để việc đưa đón con em mình được thuận lợi, an toàn”.
Qua đợt kiểm tra phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh, đoàn liên ngành đã kiểm tra tổng cộng 130 chiếc xe, trong đó có chiếc bị yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm. Ngoài ra, đoàn còn lập biên bản vi phạm hành chính 2 trường hợp với số tiền đề nghị xử phạt 12 triệu đồng, đồng thời tiến hành xác minh 2 trường hợp nghi ngờ sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. “Với những vi phạm nhỏ, đoàn nhắc nhở, yêu cầu chủ phương tiện khắc phục kịp thời. So với đợt kiểm tra được tổ chức vào năm học trước, năm nay, các trường hợp vi phạm giảm cả về số lượng và mức độ. Đây là tín hiệu cho thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh đối với xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh đã phần nào được nâng cao hơn”-ông Minh đánh giá.
LÊ HÒA