Kinh tế

Giá cả thị trường

Kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật về gạch không nung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 14-9, tại TP. Pleiku, Sở Xây dựng Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện chương trình phát triển gạch không nung và lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng trên địa bàn tỉnh. 
Tham dự có ông Phạm Văn Bắc-Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) và đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum, Đak Lak, Bình Định, Phú Yên.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Bắc cho biết, sau 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số số 13/2017/TT-BXD ngày 8-12-2017 của Bộ Xây dựng về việc Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, hiện 28 tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; có 57 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xoá bỏ lò thủ công; nhiều công trình đã sử dụng từ 80-100% vật liệu xây dựng không nung.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Tuy nhiên, trên thực tế nhận thức của nhiều nhà đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng về vật liệu xây dựng không nung chưa đầy đủ nên nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước hoặc nhà cao trên 9 tầng chưa sử dụng loại vật liệu này. Do vậy, Vụ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố nói chung và Gia Lai nói riêng, thời gian tới, cần chú trọng công tác tuyên truyền về vấn đề này. 
Tại Gia Lai, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh tính đến quý II-2018 có 12 dây chuyền sản xuất gạch không nung, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 109,5 triệu viên/năm; có 13 cơ sở gạch nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến (lò Hoffman) với nguồn nguyên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp (vỏ trấu, mùn cưa, củi cành cao su…) với tổng công suất thiết kế khoảng 156 triệu viên/năm. Đối với lò thủ công, đến thời điểm quý II-2018, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác xóa bỏ lò nung thủ công, tổng số lò đã đóng cửa ngưng hoạt động hoặc tự tháo dỡ là 33 lò. 
Thảo luận tại hội nghị cho thấy, các công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ, thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, các công trình từ nguồn vốn khác, công trình nguồn vốn tư nhân, nhà ở riêng lẻ chưa được sử dụng nhiều do thói quen sử dụng vật liệu truyền thống, đồng thời giá thành vật liệu xây không nung tương đối cao cũng làm hạn chế sự lựa chọn.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển gạch không nung, Sở Xây dựng sẽ tăng cường tổ chức các buổi hội thảo về vật liệu xây không nung nhằm tư vấn, đào tạo về quy trình sản xuất, hướng dẫn thiết kế và thi công các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung; kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu khối xây gạch không nung; các chỉ dẫn kỹ thuật làm cơ sở cho các đơn vị tư vấn ban hành chỉ dẫn kỹ thuật đối với từng công trình; rà soát và công bố đầy đủ về định mức dự toán xây dựng công trình đối với loại gạch xây không nung như xây gạch bê tông bọt, xây gạch xi măng cốt liệu...
Hà Duy 

Có thể bạn quan tâm