Kinh tế

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngược với những tín hiệu khả quan của thị trường cà phê Robusta tại sàn London, giá cà phê Tây Nguyên vẫn không thoát khỏi tình trạng liên tục giảm. Mức giá hiện tại thấp hơn tuần trước 1.000 đồng/kg (hiện chỉ còn khoảng 37.000 đồng/kg) và giảm đến 9.000 đồng so với mức giá cà phê cao nhất được lập trong tháng 3-2013 (46.000 đồng/kg).

Cà phê rớt giá, xuất khẩu giảm cả về lượng lẫn giá trị cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thời gian qua bị giảm mạnh, do cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai. Theo đó, tổng kim ngạch thực hiện 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 121,848 triệu USD, đạt 31,24% kế hoạch, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt 34.300 tấn (tương đương 73,06 triệu USD), giảm 61,58% về lượng và 59,95% giá trị.

 

 

Phân tích nguyên nhân này, ông Huỳnh Ngọc Tục-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho rằng: Giá cà phê xuất khẩu thường thấp hơn giá nội địa (khoảng 1,5-2 triệu đồng/tấn), hơn nữa sản lượng cà phê năm nay đạt thấp chỉ bằng 70% niên vụ 2011-2012. Đó là chưa kể tình hình thị trường có một số doanh nghiệp mua bán cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp nội tỉnh thiếu hụt nguồn hàng đầu vào, không mua được hàng dẫn đến giảm khối lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể: Doanh nghiệp FDI (Công ty TNHH Louis Dreyfus commodities Việt Nam) giảm gần 70%, Xí nghiệp tư doanh Hoa Trang giảm 53%, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp giảm 53%, Công Ty TNHH Trung Hiếu giảm 55,4%.

Tuy nhiên, tình hình giá cà phê giảm ảnh hưởng không nhiều đến người dân trồng cà phê, bởi thực tế tại thời điểm này lượng cà phê tồn trong dân không nhiều, một số doanh nghiệp cũng giảm lượng cà phê xuất khẩu hơn so với những tháng trước. Chẳng hạn, Công ty TNHH Trung Hiếu trong tháng 5-2013 sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 115,056 tấn (tương đương 199,906 USD) nhưng kế hoạch tháng 6 sản lượng xuất khẩu của công ty chỉ còn 80,539 tấn (tương đương 139,934 USD); tương tự Công ty TNHH Louis Dreyfus commodities Việt Nam sản lượng xuất khẩu tháng 5-2013 là 2.547 tấn (tương đương 5.351 USD), kế hoạch tháng 6 giảm còn 2.400 tấn (tương đương 4.800 USD). Riêng công ty TNHH Vĩnh Hiệp trong tháng 6 không có kế hoạch xuất khẩu cà phê.

Ông Tục cũng thừa nhận rằng nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm còn do công tác quản lý thời gian qua chưa được tăng cường, chưa thực hiện tốt các giải pháp chống thất thu ngân sách. Qua đó, ông Tục cũng đưa ra đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cơ sở. Cụ thể, chính quyền xã nên theo dõi sát tình hình địa phương, kịp thời báo cáo tình trạng tranh mua tranh bán không lành mạnh của một số đơn vị ngoài địa phương; lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các loại hóa đơn, chứng từ; cơ quan thuế cần theo dõi sát sao để tránh thất thu thuế…

Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải nâng cao hơn nữa năng lực quản trị kinh doanh tiếp cận thị trường, nắm vững thông tin thị trường và phải có dự báo thật tốt để tránh thiệt hại khi mua giá cao nhưng bán giá thấp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm thu hoạch vụ mùa (giống kiểu mua lúa ở miền Tây…

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm