Kinh tế

Giá cả thị trường

Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 vượt mốc 200 tỷ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng mạnh 28,5% với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4, tổng trị kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 50,9 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước. Nguyên nhân của tình trạng trên là do số ngày làm việc của tháng 4/2021 ít hơn 3 ngày so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 25 tỷ USD, giảm 15,7% và nhập khẩu ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 103,4 tỷ USD, tăng 27,7% và nhập khẩu ước đạt 101,51 tỷ USD, tăng 29,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 ước tính thâm hụt 900 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, cả nước ước xuất siêu 1,89 tỷ USD.

 

 Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD.


4 tháng đầu năm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Đơn cử, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,4; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt gần 15,85 tỷ USD, tăng 19,4%; giày dép ước đạt 6,39 tỷ USD, tăng 18,7%...

Ngoài các nhóm hàng tăng trưởng hai con số kể trên, dệt may, thủy sản cũng là hai nhóm hàng chủ lực có sự phục hồi đáng ghi nhận. Trong đó dệt may ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; thủy sản ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, tăng trưởng xuất nhập khẩu đang vượt quá kỳ vọng cũng như chỉ tiêu đặt ra.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng các yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng này rất dễ bị tổn thương, rất là mong manh. Ví dụ như nếu trường hợp bùng phát dịch trở lại thì có thể trở thành yếu tố gây ảnh hưởng, sụt giảm ngay hoạt động xuất khẩu.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không được phép quá lạc quan và không được phép chủ quan. Đấy là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mặt khác, cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu", ông Hải phân tích.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hải, hiện tại, khu vực Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Khu vực Châu Mỹ vẫn là thị trưởng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và tiếp theo là thị trường Châu Âu. Còn các khu vực như Châu Phi và Châu Đại Dương tăng trưởng cũng tốt nhưng giá trị tuyệt đối hiện nay vẫn chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

https://danviet.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-4-thang-dau-nam-2021-vuot-moc-200-ty-usd-20210504152954339.htm
 

Theo Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm