Kinh tế

Giá cả thị trường

Kinh doanh đa cấp trái phép lan sang y tế, dịch vụ giáo dục, đầu tư trả thưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa cảnh báo các dấu hiệu nhận diện kinh doanh đa cấp trái phép và khẳng định đa cấp tiền ảo, dịch vụ giáo dục, đầu tư trả thưởng…là bất hợp pháp
Theo Tổng Cục quản lý thị trường, nhiều năm vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Để tránh tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, người dân cần lưu ý xem doanh nghiệp có giấy chứng nhận hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp hay không? doanh nghiệp được phép kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng giao dịch không phải là hàng hóa.
Đặc biệt, hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức như mua bán tiền điện tử (thường gọi là tiền ảo), kinh doanh dịch vụ giáo dục; kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình đa cấp…
Tổng Cục quản lý thị trường cho biết các hình thức này bị cấm kinh doanh đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp tiền điện tử, dịch vụ giáo dục; kêu gọi góp vốn đầu tư các dự án…để hạn chế các rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, Tổng Cục quản lý thị trường khuyến nghị người dân trong quá trình theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nếu phát hiện doanh nghiệp các hành vi có dấu hiệu vi phạm thì cung cấp thông tin, chứng cứ đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) - số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; địa chỉ Email: vcca@moit.gov.vn; điện thoại: 024.2220.5002) để cục này có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm.
Trước đó, vào đầu tháng 6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng cảnh báo người dân về các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép tại Việt Nam thông qua hệ thống riway.com
Theo cơ quan này, thời gian gần đây, các tổ chức có tên Riway, DGI Group, Win Win Group giới thiệu và bán sản phẩm thực phẩm chức năng có tên Purtier Placenta có tác dụng ngăn ngừa và điều trị rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh phổi, các bệnh về cơ quan sinh dục, thậm chí cả HIV/AIDS...
Ngoài việc bán sản phẩm, các tổ chức, cá nhân này còn có dấu hiệu kết nối, mời gọi người dân tham gia vào hệ thống riway.com để kinh doanh các sản phẩm chức năng trên thông qua các buổi đào tạo trực tiếp hoặc qua ứng dụng điện thoại như Zoom Meeting, Zalo.
 
Sản phẩm thực phẩm chức năng Purtier Placenta được quảng cáo với rất nhiều công dụng ngăn ngừa và điều trị bệnh. Ảnh: Cục CT&BVNTD
Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên nêu trên theo quy định của Nghị định 40/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Vì vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến cáo người dân không nên tham gia giới thiệu, phát triển mạng lưới kinh doanh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến Riway, DGI Group, Win Win Group. Đồng thời, không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nêu trên có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp liên quan khác.
Thy Thơ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm