Kinh tế

Giá cả thị trường

Kinh doanh vượt "cú sốc" COVID: Kỷ lục chốt 5.000 đơn online trong 1 phút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Chuyển hàng theo đơn hàng trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn
Đẩy mạnh phát triển thị trường thương mại điện tử, hình thành những chuỗi cung ứng hàng hóa không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, giao dịch phi tiền mặt được ưa chuộng... dịch COVID-19 đã tạo ra “cú sốc” đối với nền kinh tế, nhưng ở mặt nào đó, nó đang đưa đến những áp lực cho việc tăng tốc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 để hóa giải thách thức và tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.
Kỷ lục chốt 5.000 đơn online trong 1 phút
Những ngày này, nhân viên của TIKI - sàn thương mại điện tử của Việt Nam - làm việc không ngơi tay vì số lượng đơn hàng tăng trưởng mạnh. Dịch COVID-19 đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân. 
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Henry Low - Tổng Giám đốc Điều hành TikiNOW Smart Logistics cho biết: “Có thời điểm, ước tính sàn TIKI phát sinh 4.000-5.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... những mặt hàng giúp người tiêu dùng an tâm trong vùng dịch. Ngoài ra, thực phẩm, hàng tiêu dùng… nhận được sự quan tâm lớn sẽ tiếp tục được cung cấp đầy đủ với thời gian giao hàng nhanh nhất chỉ trong 2h”.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho hay: “Mức tăng trưởng nhu cầu mua sắm trên Tiki từ đầu tháng 2 đến nay là 15% so với 2 tháng cuối năm 2019. Trước đây, quý IV hàng năm là lễ hội mua sắm trên Tiki và các sàn thương mại điện tử khác, trong một số thời gian cao điểm dịp cuối năm, ước tính phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút”.
Chủ động đẩy mạnh bán hàng online, kích thích người tiêu dùng qua kênh trực tuyến, app công nghệ… là những cách mà doanh nghiệp trong nước đang làm để kích cầu tiêu dùng trong mùa dịch. Các siêu thị, trung tâm thương mại như: Lotte Mart, Big C, Co.opmart, Mega Market, Vincom… đều đẩy mạnh mua bán trực tuyến hoặc đặt hàng qua điện thoại. Họ coi việc tăng sức mua online, để người dân hạn chế đến chỗ đông người, cũng là cách góp phần chiến thắng dịch bệnh.
Trong bối cảnh người dân lo sợ dịch bệnh, hạn chế tập trung nơi đông người như họp chợ, người nông dân gặp khó vì không tiêu thụ được sản phẩm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhanh chóng thích ứng và vận hành thành công sàn thương mại điện tử Kinh tế hợp tác (kinhtehoptac.com), thu hút 404 loại sản phẩm khác nhau từ các doanh nghiệp và hợp tác xã là thành viên. Các sản phẩm bày bán bao gồm nông-lâm-thủy sản, thủ công mỹ nghệ và thực phẩm, trong đó phần lớn được sản xuất bởi nông dân thuộc các hợp tác xã trong tỉnh và phần còn lại từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, làng nghề và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng truyền thống.
“Sàn thương mại điện tử Kinh tế hợp tác là một hình thức nhằm giúp các thành viên hợp tác xã, hộ sản xuất, doanh nghiệp bán hàng trên mạng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan thì sàn thương mại điện tử này có thể là cứu cánh cho cả nông dân và doanh nghiệp”, ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thừa Thiên-Huế cho biết.
PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng: Đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến kinh tế thế giới thay đổi về cách thức phát triển. Dịch SARS vào năm 2003 khiến người dân phải hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử. Chính thời điểm đó, những Công ty như Alibaba của tỉ phú Jack Ma trỗi dậy và đạt được những thành công vượt bậc như ngày hôm nay.
“Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử. Đặc điểm của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhân sự trẻ, đó cũng là một lợi thế, bởi các DN này sẽ có mức độ thích nghi với công nghệ khá tốt, hạ tầng công nghệ thông tin tốt”, PGS-TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Trong khi các mô hình truyền thống gần như bị đóng băng do các cú sốc cung, sự biến động của cầu, sự xuống dốc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung, một loạt các doanh nghiệp thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời: Amazon dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20%.
Tương tự, nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada… hoặc các kênh phân phối online thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội. Vậy nên, trong thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong thị trường tự do có lẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói tín dụng gần 280.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa tung ra. 
“Nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada... hoặc các kênh phân phối online, thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội” - PGS Nguyễn Đức Thành phân tích.
Thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử tăng mạnh
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết: “Trước đây, thị trường thanh toán điện tử sau Tết thường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tỉ lệ tăng trưởng tại Momo là hơn 100% so với dự đoán. Giá trị đơn hàng thanh toán bình quân cũng tăng mạnh từ 50-100%. Người tiêu dùng mua và chi tiêu nhiều hơn, trước họ chỉ mua 1-2 món hàng, nay họ mua hàng và thanh toán trên ví điện tử nhiều hơn. Đa số các giao dịch tại MoMo tập trung vào thanh toán siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, thanh toán các khoản vay tài chính tiêu dùng, trả tiền điện, nước, mua sắm thương mại điện tử...”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Tiền di động (Mobile Money), nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Phát triển thanh toán qua di động sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Các nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. 
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, những lựa chọn mới đã khiến người dân quen dần. Đây là khởi đầu tốt.
Xây dựng sàn thương mại điện tử cho con tôm 
Bạc Liêu đang phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, song đầu ra của con tôm gần như mang tính tự phát, thương lái tự định giá và bắt tay nhau chèn ép nông dân. Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu đã xây dựng sàn thương mại điện tử (STMĐT) cho con tôm vào tháng 4.2019.
Sàn giao dịch mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nuôi tôm. Đó là được xem giá tôm của các thành viên khác đã mua bán thành công trên sàn giao dịch để định giá cho hàng hóa của mình. Qua đó, chủ động chào hàng và quyết định tiền cọc, giá bán; chủ động đưa ra các điều kiện mua bán và chọn thời điểm giao hàng; đặc biệt là chủ động thời điểm thu hoạch theo hướng có lợi nhất, thay vì phải thu hoạch theo yêu cầu của các thương lái mua tôm như trước đây.
Bên cạnh đó, khi tham gia STMĐT cho con tôm thì thị trường tiêu thụ được mở rộng trong cả nước, tạo nên quyền lựa chọn bán hàng cho nông dân trước đây cái quyền ấy thuộc về thương lái).
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi tham gia STMĐT cho con tôm sẽ giảm bớt các khâu trung gian, lựa chọn được nguyên liệu theo các đơn hàng xuất khẩu và giao hàng nhanh hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Triều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long, cho biết: “STMĐT cho con tôm đồng hành cùng nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển nghề nuôi tôm và các mặt hàng nông, thủy sản. Thời gian tới, STMĐT cho con tôm sẽ mở rộng giao dịch thêm các mặt hàng nông sản thế mạnh khác của tỉnh như: Lúa, thủy sản, rau màu…”. - PV Nhật Hồ ghi.
 Theo đánh giá của TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Thanh toán điện tử giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách. Thêm vào đó, việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chu chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn, cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cơ hội để các doanh nghiệp thương mại điện tử đổi mới
Ông Vương Mạnh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Trí Tuệ số cho rằng, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp thương mại điện tử đổi mới và chuẩn hoá quy trình kinh doanh. Ông Mạnh Hoàng chỉ ra ba điểm thay đổi cốt lõi mà các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử đang chuyển mình.
Đầu tiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nhập máy móc về sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu như trước đây, các chủ doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng online chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khi biên giới bị đóng cửa, số lượng hàng thông quan ít, không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư tiền tỉ để nhập máy móc chủ động sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Thứ hai, về phát triển kho bãi chứa hàng hoá. Trước đây việc tuồn hàng qua các con đường tiểu ngạch, đường biên về khá nhanh chóng trong 3-4 ngày nên các chủ doanh nghiệp hầu như không có ý định xây dựng kho trữ hàng hoá. Sau khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều ông chủ phải tính tới chuyện đầu tư bài bản, xây dựng kho trữ hàng hoá, tránh rủi ro. Cuối cùng, bài học về việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro.
Ông Vương Mạnh Hoàng đưa ra giải pháp: “Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi tin rằng đây là lợi thế để các doanh nghiệp trong nước ngay tại thời điểm này lên kế hoạch đầu tư quảng cáo, cơ sở vật chất, máy móc, nhân sự để chuẩn bị bán hàng ngay khi dịch kết thúc. Bởi khi đó, nhu cầu của người dân sau một thời gian nghỉ lâu sẽ bùng nổ, các ngành du lịch, vận tải, mua bán hàng hoá sẽ nhộn nhịp trở lại”.
Việt Nam có cơ hội và lợi thế là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Dịch COVID-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học... Phát triển kinh tế số nên là tự thân, chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Cần hướng đến nó là nền tảng, chủ động thay vì bị động. Việt Nam có cơ hội và lợi thế là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi”.

* TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế và có thể đi cùng với thế giới. Dịch COVID-19 tác động tới thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch COVID-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế. Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch COVID-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skype, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, facebook, chuyển hàng bằng ship.

Lan Hương (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/kinh-doanh-vuot-cu-soc-covid-ky-luc-chot-5000-don-online-trong-1-phut-792556.ldo

Có thể bạn quan tâm