Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Kinh tế - xã hội 9 tháng tốt hơn dự báo, người dân và doanh nghiệp lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tăng trưởng GDP đạt 6,98%, tăng cao nhất cùng kỳ trong 9 năm qua. Lạm phát duy trì mức thấp nhất trong 3 năm qua, bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,5%.
Sáng nay (2/10), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Mặc dù đánh giá kinh tế xã hội 9 tháng vừa qua đạt kết quả tốt hơn dự báo với nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực cao hơn cùng kỳ năm ngoái, song Thủ tướng cho rằng, chúng ta vẫn chưa tận dụng được sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại như kỳ vọng.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Nhìn lại 3/4 chặng đường đã đi qua của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn dự báo với nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 6,98%, mức tăng cao nhất cùng kỳ trong 9 năm qua. Lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua, bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,5%. Đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước tăng cao giúp bội chi còn 3,4%GDP và nợ công chỉ còn dưới 57%GDP. Ước tính cả năm nay, thu ngân sách vượt dự toán Quốc hội giao khoảng 5%. Xuất khẩu đạt 193 tỷ USD, xuất siêu đạt lỷ lục với gần 6 tỷ USD.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý 3. Nông nghiệp dù gặp khó khăn về hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu... nhưng nhờ đẩy mạnh cơ cấu lại nên vẫn tăng trưởng trên 2%. Trong đó, xuất khẩu gỗ sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm nay.
Nêu ra nhiều kết quả tích cực khác trên các mặt văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng cho biết, kết quả này phù hợp với nhận định và đánh giá tình hình của Ban cán sự Đảng trình Bộ Chính trị và sắp tới trình BCH Trung ương, đó là năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây đều là các chỉ tiêu quan trọng và nhiều chỉ vượt cả về số lượng và chất lượng:
“Điều đáng nói tăng trưởng không chỉ tốt về số lượng mà chất lượng cũng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặt biệt lạm phát kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được cải thiện rõ nét. Các đồng chí đi nhiều vùng cả nước thì thấy tăng trưởng này gắn liền với đời sống của nhân dân nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, Thủ tướng cho rằng, điều này góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế.
Quốc tế đánh giá tích cực về Việt Nam
Thủ tướng cho rằng, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là nhiều mặt không thuận từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu từ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, do tác động của chiến tranh thương mại và các yếu tố rủi ro mang tính chất chu kỳ, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng trên bờ suy thoái. Trong đó tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn giảm, như Mỹ giảm 2%, EU giảm 1%, Nhật Bản giảm 0,5%, Singapore không tăng trưởng... Nhiều nước đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và FED bắt đầu giảm lãi suất.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức uy tín quốc tế đều đánh giá tích cực về Việt Nam. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Standard chartered dự báo tăng 6,9% và giữ được đến năm 2021; Citigroup điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 6,7% hồi đầu năm lên 6,9%. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018: 
“Điều đó khẳng định những sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm, mang lại kết quả khả quan, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực vượt khó, của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta. Điều đó cũng nói lên rằng khi chúng ta đã quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 
Chưa tận dụng được sự dịch chuyển đầu tư
Tuy vậy Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều thách thức, tồn tại cần khắc phục, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,1% kế hoạch Quốc hội thông qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt trên 50%. Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc để đưa ra các giải pháp căn cơ, quyết liệt và tại phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề quan trọng này.  
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp bị thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm giảm tổng đàn lợn gần 20% với 5 triệu con bị tiêu hủy. Sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn từ thực tế tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay chỉ đạt hơn 15,7 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, Thủ tướng nhận định: “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại không như kỳ vọng. Chúng tôi đã tập trung nêu vấn đề này với các đồng chí ở Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều bộ khác, nhưng chúng ta đón bắt cơ hội này còn hạn chế, các cấp các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm. Do đó nhiều tập đoàn lớn chưa vào nước tư như dự đoán”. 
Thủ tướng cũng lưu ý, dù một số dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc - Nam vừa được khởi công, một số dự án được khánh thành, nhưng một số dự án đường sắt đô thị, sân bay Long Thành... còn triển khai chậm, nhiều dự án chậm tiến độ và chưa xác định thời gian hoàn thành.
Trong quý 3/2019 cũng phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, như dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng; tình trạng đánh bạc, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM; thao túng thị trường chứng khoán... Ô nhiễm môi trường của hai đô thị lớn Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến người dân kêu ca nhưng lại chưa có biện pháp khắc phục. 
Yêu cầu các bộ, ngành khắc phục các vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan để hoàn thành kế hoạch năm nay, tạo tiền đề cho năm 2020. Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao Tiểu ban Kinh tế Xã hội đã rất tích cực, kỳ công nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo văn kiện để trình BCH Trung ương trong hội nghị sắp tới.
Vũ Dũng (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm